Những chiếc đèn dầu kỳ diệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đèn dầu mà tôi muốn nhắc đến ở đây là loại đèn do các thành viên đội công tác vũ trang ở K8 ngày trước (An Khê ngày nay) tự chế hồi những năm kháng chiến chống Mỹ. Dù là tự chế nhưng những chiếc đèn này rất đa dạng về “chủng loại” và phong phú về hình dáng, màu sắc, kích cỡ. Tất nhiên về “nguyên lý” thì không khác mấy đèn dầu hỏa mà dân ta thường gọi là đèn Hoa Kỳ. Đèn Hoa Kỳ theo chân những nhà buôn dầu hỏa vào Việt Nam từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Người Việt tiếp thu và sử dụng nó, dần thay thế cho các loại đèn đốt trên dĩa sứ bằng các loại dầu thực vật và đèn cầy (đèn dầu cá).
Khác với vùng hậu cứ trong rừng già, nơi xa vùng địch chiếm, có điều kiện ngụy trang che mắt các loại máy bay trinh sát của Mỹ, các đội công tác vũ trang chúng tôi luôn cận kề với vùng địch hậu. Ngày đêm, chúng tôi gần gũi với bà con trong các ấp chiến lược, tuyên truyền, vận động nhân dân giác ngộ cách mạng, gây dựng phong trào, xây dựng cơ sở mật, cơ sở nội tuyến, diệt những tên ác ôn, mật báo, tổ chức phục kích đánh những trận nhỏ, lẻ. Mọi sinh hoạt của các đội công tác vũ trang đều diễn ra ngay tại những cánh rừng, những con suối cận bìa làng, thôn, ấp. Vì vậy, việc giữ gìn bí mật, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ là vô cùng quan trọng. Khẩu hiệu “đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không ra tiếng” được thực hiện triệt để.
Có một việc không nằm trong “khẩu hiệu”, nhưng đó lại là nhu cầu tối thiểu của chúng tôi ngày ấy: ánh sáng. Đêm về, những hôm không có nhiệm vụ, được nghỉ ngơi thì chúng tôi tổ chức sinh hoạt tập thể, trong đó viết nhật ký và đọc sách báo là những nhu cầu không thể thiếu. Sách báo đến với chúng tôi từ 2 nguồn, một là từ hậu cứ chuyển ra, chủ yếu là các loại sách báo có xuất xứ từ miền Bắc, dù “cũ người” nhưng “mới ta”; nguồn nữa gần như rất mới, rất kịp thời là sách báo do các cơ sở mật của cách mạng chuyển ra từ vùng địch tạm chiếm. Đèn dầu hỏa là thứ ánh sáng vô cùng khiêm tốn nhưng giúp chúng tôi có thể đọc sách. Song loại đèn Hoa Kỳ như nói trên thì không thể cơ động theo chúng tôi mỗi ngày đêm được. Khắc phục cái khó đó, cái khôn ló ra. Những chiếc đèn dầu tự chế ra đời.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Bất kỳ loại chai, lọ gì đẹp, gọn nhẹ và có nắp vặn chắc chắn thì đều có thể chế thành đèn dầu. Tuy thế, chỉ có 2 loại vật liệu sau đây là tốt nhất, đẹp nhất, dễ làm nhất. Đó là lọ dầu ancol, loại nhỏ bằng viên pin đại, tròn, bằng thủy tinh trong, cao chừng trên 10 cm. Và, có lẽ nhiều người còn nhớ, ngày xưa khi đồ dùng bằng nhựa chưa lên ngôi thì ruột cây bút bi (thường gọi là bút bấm, bút bic) được làm bằng đồng hoặc sắt không rỉ cũng được tận dụng để làm chiếc đèn dầu theo cách này. Khi đã có lọ ancol vừa ý và ruột của cây bút bi đã dùng hết mực, chỉ cần tạo ra một vật chặn giữa miệng lọ bằng chất không nóng chảy làm giá đỡ cho ruột bút (vòi của đèn) khi dùng mở nắp lọ, vòi tim (bấc) đèn bật lên, chỉ việc châm lửa là phát sáng không khác gì đèn Hoa Kỳ; khi không dùng, đậy và vặn nắp lại thì vòi tim đèn ép xuống sát miệng lọ. Dầu hỏa không thể rỉ ra từ “lọ đèn” và vì thế nó cơ động theo người dùng bất cứ nơi đâu trong chiếc ba lô con cóc, cho ánh sáng bất kỳ khi nào cần dùng đến, nhất là khi viết và đọc ở tầm nhìn gần, đảm bảo giữ bí mật. Khi ẩn nấp trong hầm trú ẩn thì loại đèn kỳ diệu này tỏa ánh sáng càng diệu kỳ.
Đặc biệt, người khéo tay có thể “trang trí” cho chiếc đèn tùy theo ý thích của mỗi người. Các cô, các chị còn may cho nó “chiếc áo” bằng những loại vải đẹp, mềm, bền bao bọc cẩn thận, phòng khi chủ nhân sơ ý làm đèn rơi để đèn không vỡ, dầu không đổ... Bây giờ, thỉnh thoảng đến tham quan các bảo tàng chiến tranh, tôi cũng thấy có trưng bày những chiếc đèn dầu kỳ diệu ấy. Tuy nhiên, nếu ai đó muốn tìm hiểu kỹ thì những thuyết minh viên khó có thể đáp ứng được bởi họ cũng còn chưa tường tận lắm về những chiếc đèn như thế trong thời chiến.
Ngày nay, khắp đất nước ta từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi, hẻo lánh… đều đã có nguồn sáng từ các loại năng lượng. Những loại đèn tự chế của chúng tôi một thời đã lùi về dĩ vãng. Nhưng dù sao, những chiếc đèn dầu kỳ diệu ấy đã từng là công cụ, là người bạn đồng hành chung thủy của những cán bộ, chiến sĩ các đội công tác vũ trang K8 của chúng tôi. Có thể nói, với chúng tôi, những chiếc đèn kỳ diệu ấy là một trong những vật kỷ niệm không thể nào quên.
BÍCH HÀ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...