Có một miền đất võ tôi yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi đã từng có dịp lội dọc đôi bờ sông Côn từ thượng đến hạ nguồn, từ nơi phát nguyên đến cửa lạch cuối cùng đổ về biển cả của dòng sông quê lớn nhất xứ Nẫu. Những làng mạc ven bờ con sông hiền hòa ấy gợi lên bao dấu ấn về làng quê xứ Việt một thời với cuộc sống thanh bần của những người nông dân một nắng hai sương. Nhưng lớp áo vải mang màu bùn đất trong những làng quê mộc mạc đó đã chứa đựng một nội lực của tinh thần võ sĩ đạo, tạo nên thứ trầm tích văn hóa võ đạo được mang tên dòng võ Tây Sơn “danh bất hư truyền” làm nòng cốt cho phái võ Bình Định ngày nay lừng danh thiên hạ. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Sông Côn được định danh của tên một loại binh khí phổ thông trong các hệ phái võ cổ truyền. Côn là chiếc gậy bằng nhiều loại vật liệu, nhưng phổ biến nhất là gỗ, tre, thứ mà người dân quê có thể dễ tìm thấy bất cứ nơi đâu quanh mình.
Ngày nay, ai có dịp về thăm xứ Nẫu đều thích thú và tò mò với câu ca “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi, đi quyền”. Ngày xưa, việc luyện võ, học võ hầu như chỉ dành cho phái mạnh, cũng như việc học hành, thi cử. Đó là do quan niệm “trọng nam khinh nữ” của thời phong kiến tồn tại lâu đời. Nhưng đặc biệt, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt đã có nhiều trường hợp ngoại lệ, giới liễu yếu đào tơ ấy đã âm thầm luyện võ, học văn để rồi khi nước nhà nguy biến đã đứng lên xưng vương, khởi nghĩa đánh đuổi quân thù xâm lược như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Thời Tây Sơn, ngoài “thất hổ tướng” còn có “ngũ phụng thư”-5 vị nữ tướng tài danh mà nổi bật là Đô đốc Bùi Thị Xuân. Vị nữ tướng này được mệnh danh là “Cân quắc anh hùng”, theo thầy luyện võ từ nhỏ bên dòng sông Côn hiền hòa nằm ở phía Đông Phú Phong (huyện Tây Sơn ngày nay). Khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổi lên, bà đã cùng đội nữ binh về với Tây Sơn Tam kiệt và từ đó cầm quân xông pha trận mạc, trở thành một nữ tướng dũng mãnh không thua kém đức lang quân là Thái phó Trần Quang Diệu. Có lẽ câu ca trên có xuất xứ từ vùng đất võ Phú Phong xưa với phong trào luyện võ phổ biến trong giới nữ, nơi quê hương người anh hùng “áo vải cờ đào” một thời oanh liệt.
Yếu tố căn bản nào khiến Bình Định được mệnh danh là miền đất võ? Trong hồ sơ đề nghị công nhận võ cổ truyền Bình Định là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012, các nhà nghiên cứu đã bình luận: “Với bề dày lịch sử và những giá trị tinh hoa được khẳng định, gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, với khả năng lan tỏa rộng rãi trong đời sống quá khứ và đương đại, võ Bình Định là hiện tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất mà nó sinh thành, góp phần làm giàu bản sắc Việt Nam” (Trần Thị Huyền Trang). Nói đến võ Bình Định, người ta không thể không nói đến phái võ Tây Sơn lừng danh một thời. Tây Sơn là vùng đất được những cư dân Việt định cư, khai khẩn sớm nhất thuộc xứ Đàng Trong, khi chúa Nguyễn bắt đầu lập dinh trấn Quảng Nam. Những người con nước Việt “mang gươm đi mở cõi” đã mang theo bao hoài bão. Nhưng buổi đầu trong hoàn cảnh loạn lạc, chiến tranh triền miên, nơi miền đất lạ, họ phải lập thân bằng võ nghiệp; lấy sức mạnh và sự can trường để tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt và dã tâm của con người thời loạn.
Luyện võ bên tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: K.N.B
Luyện võ bên tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: K.N.B
Theo sử sách ghi lại, lớp võ nhân đầu tiên ở vùng Tây Sơn dựng nên nghiệp võ có lẽ phải kể đến thầy Trương Văn Hiến, Ngô Mãnh… là người Đàng Ngoài, giỏi cả văn lẫn võ, có thân tộc làm quan cho chúa Nguyễn Đàng Trong nhưng vì bất mãn với triều thần mà bỏ đi tìm vùng đất mới sinh kế. Thời kỳ thịnh hành võ nghiệp ở Tây Sơn nói riêng và phủ Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn nói chung là thế hệ sau được đào tạo bài bản bởi những người tinh thông võ nghệ như thầy Trương Văn Hiến. Thời này nền võ đạo đã được đề cao, hình thành nên làn sóng võ hiệp “cứu khốn phò nguy” nơi miền đất sông Côn. Những lớp học trò xuất sắc như 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết… đã tạo ra một thế hệ võ nhân với tài thao lược xuất chúng. Họ không những lĩnh hội những tuyệt kỹ võ thuật của thế hệ trước mà còn sáng tạo thêm nhiều chiêu thức mới, hệ phái mới với những bí kíp độc đáo, trong số đó có nhiều tuyệt kỹ võ học đến nay đã bị thất truyền.
Trong cuốn “Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao” của Nguyễn Trung Như được lưu trữ ở chùa Long Phước (Tuy Phước-Bình Định ngày nay) đã đề cập đến những bí kíp võ công của 20 danh tướng thời Tây Sơn. Trong đó có những tuyệt kỹ mà ít người có thể luyện tập thành công như “Độc thần kiếm” của Nguyễn Nhạc, “Ô long đao” của Nguyễn Huệ, “Lôi long đao” của Võ Văn Dũng, “Lôi phong tùy hình kiếm” của Trần Quang Diệu, “Phong vân kiếm” của Bùi Thị Xuân, “Miên quyền” của Nguyễn Lữ… Bên cạnh đó, thời kỳ thịnh võ ở đất Tây Sơn, thế hệ võ nhân với võ công thượng thừa này đã sáng tạo nhiều chiêu thức mới độc đáo như “Hùng kê quyền” của Nguyễn Lữ (quan sát từ các thế đá gà); “Phi yến thảo pháp” của Nguyễn Huệ (quan sát từ đàn én lượn bay); “Song phượng kiếm” của Bùi Thị Xuân (lấy cảm hứng từ đôi chim đùa nhau)…
Từ thời nhà Tây Sơn trở đi, nơi vùng đất bên sông Côn đã hình thành những dòng võ nổi danh như dòng võ họ Trương ở An Thái mà Tổ sư là Trương Văn Hiến, người có công đào tạo Tây Sơn Tam kiệt và nhiều danh tướng Tây Sơn khác. Nổi tiếng không kém là dòng võ họ Nguyễn ở An Vinh mà người có công gầy dựng sau này là võ sư Nguyễn Ngạc (Hương mục Ngạc). Dòng võ này có liên quan đến một nữ võ nhân là Nguyễn Thị Vũ, bà Tổ cô của Hương mục Ngạc, người truyền thụ quyền cước cho nữ tướng Bùi Thị Xuân trước đây. Cũng phải kể đến dòng võ họ Hồ ở Thuận Truyền với sự nổi danh về đường roi của Hồ Ngạnh (Hồ Nhu). Dòng võ này cũng có gốc từ thời Tây Sơn nhưng đến đời Hồ Ngạnh mới nổi tiếng với nhiều môn sinh theo thụ giáo. Ngày nay người ta còn nhắc đến câu: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” là vậy. Ngoài ra, ở vùng An Thái còn có dòng võ họ Diệp gắn với tên tuổi võ sư Diệp Trường Phát-người sáng lập võ phái Tây Sơn An Thái; dòng võ họ Lâm, hình thành từ cuối thế kỷ XVIII gắn với tên tuổi võ sư Lâm Hữu Phong và võ phái Bình Sơn…
Được xây dựng trên nền tảng võ học uyên thâm, từ xưa hệ phái võ Tây Sơn đã hình thành nên tinh thần thượng võ trong lớp môn sinh để từ đó biết yêu chuộng lẽ phải, ghét cường quyền, chống áp bức, bất công... Với tinh thần ấy, ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, họ đã thu hút các bậc danh sĩ, võ tướng theo về đầu quân, được đông đảo nhân dân ủng hộ.
Ngày nay, về Tây Sơn, vùng đất hiền hòa bên dòng sông Côn thơ mộng, ngoài những di tích lịch sử của nhà Tây Sơn, chúng ta có thể đến thực địa các làng võ nổi tiếng vùng An Thái, An Vinh, Thuận Truyền, thăm võ đường của các bậc võ nhân nổi tiếng một thời để chiêm ngưỡng những thế võ cổ truyền Tây Sơn hiện vẫn còn được lưu truyền cho thế hệ môn sinh ngày nay.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.