Truyện ngắn: Châu thổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đất nứt toạc dưới chân như thể đã hóa thành lớp băng mỏng, vỡ tan dưới sức nặng cơ thể mười tuổi của thằng nhóc, kéo nó xuống một vùng mát lạnh.


 

 Tranh: TRẦN NGỌC SINH
Tranh: TRẦN NGỌC SINH



Tấm lưng được nước đỡ lấy, chìm từ từ xuống khe sâu. Hai bàn chân duỗi ra, cố tiếp đất nhưng bước hụt khiến nó rơi ra khỏi giấc mộng, bừng tỉnh và thấy mắt mình đang bị một tia nắng chui qua lỗ thủng của mái tôn đâm thẳng vào.

Nó ngồi dậy, nhìn đồng hồ đeo tay rồi uể oải lại tủ lạnh lấy nước. Miệng nó khô như nhai cát nhưng chỉ dám uống một ngụm, vặn nắp, cất lại vào tủ lạnh. Chần chừ một hồi lại mở tủ, lấy chai nước, mở nắp, hớp thêm một ngụm nữa.

Tiếng kèn hiệu tò te vang lên xa xa. Thằng nhỏ vội lấy hai can nước trống ở góc nhà, trèo lên xe đạp nhưng sực nhớ chưa đóng cửa, lại nhảy xuống. Chiếc xe đạp chao nghiêng, vừa quay vào đã ngã xuống đất. Khóa cửa xong, gắn lại xích xe, nó cố leo lên cái xe đạp vốn cao ngang ngực. Cọc cạch hồi lâu, từng vòng bánh xe cuối cùng cũng lăn trên đường quê.

Chiếc áo sơmi người lớn bọc kín tấm thân con nít đen nhẻm của thằng nhỏ như bọc viên kẹo đang tan. Nó đạp mà như bơi, phải rướn hết hai cái cẳng tong teo mới tới bàn đạp, trong khi nắng táp xuống hai bắp đùi nóng rẫy. Hai can nước rỗng cột ở yên xe kêu lụp bụp, thoáng cái đã thoảng lên mùi mủ cháy.

"Đi lấy nước hả?".

Dưới ruộng, người đàn ông đội chiếc nón lá rách rưới nhô lên hỏi. Chống chân không tới, nó phải vừa bóp thắng vừa nhảy xuống: "Dạ, ba!".

Nó đáp gọn lỏn, nhìn khoảnh đất nứt nẻ dưới chân ông. Mặt trời và nước mặn rút cạn sắc xanh của lúa khiến chúng kiệt khô, nằm oằn mình thoi thóp. Sau lưng ông, vẫn còn mấy mảng ruộng xanh chờ cháy, những thân lúa cam chịu, bất động để cho cái nắng mặc sức làm tình làm tội.

"Thôi đi sớm đi, rồi về ăn cơm", ba nó xua tay nói rồi kéo sụp nón lại, cặm cụi nhổ đống lúa chết. Chỉ kịp lí nhí dạ dạ trong miệng, thằng nhóc vội tiếp tục hành trình. Môi nó khô đến mức mở lớn lại đau. Chỉ cần cố thêm chút nữa, qua khỏi khúc cua này là đến chỗ lấy nước.

Nhìn hàng dài những quả đầu nhấp nhô mà nó phát ngán. Nhiều người mang theo một chiếc xe kéo chất đầy năm sáu can lớn. So với họ, hai can nước trên xe đạp của nó chẳng có ký lô nào.

Nó rướn người, nhìn nước từ bồn chảy sang mấy cái can be bé mà nuốt ừng ực, tưởng chừng nhìn thôi cũng đủ đã khát. Mà sao người xếp hàng đông vậy, biết tới phiên nó có còn đủ nước không? Nó bồn chồn siết thắng, mồ hôi chảy từ trán chéo qua mắt cay xè, rơi xuống môi mằn mặn, mặn như vị của đất. Loạng choạng, chiếc xe đạp bỗng như con ngựa chứng vùng khỏi tay, đụng phải người đứng trước.

Cái dáng cao dong dỏng quay lại.

"Dạ, thầy...", mấy lời lúng búng trên môi nó.

Ông thầy nhìn nó cười xòa. Trên cái xe rùa phụ hồ của thầy là bốn năm can nước, rồi cả chai nhựa ngổn ngang. Nhà thầy nhiều người hơn nhà nó. Thật khó để nhận ra ông thầy trong bộ áo thun cộc tay.

"Mấy tháng nay trường đóng cửa, thầy làm gì thầy?".

Ông thầy nhìn học trò, cười méo xẹo: "Làm con lạc đà chở nước".

Nó cười hì hì. Chợt một thằng nhóc khác chạy đến gật đầu chào thầy, rồi quay sang nó rủ chiều đi bắt dế.

"Con không đi lấy nước hả?" - thầy nhìn hai bàn tay trống của nó hỏi.

"Dạ, ba con lấy" - nó chỉ tay phía trước mà chẳng rõ chỉ ai, đoạn quay sang bạn đón lấy can nước "để tao xách tiếp cho!".

Nhìn hai đứa học trò ríu rít, tim ông thầy giật thót. Sau mùa hạn mặn này, liệu đám trò nhỏ còn tin những gì ông nói về "châu thổ phù sa màu mỡ" nữa không. Trọng lực của trái đất như hút dính ông sâu xuống châu thổ, mấy ngón chân bấu chặt.

Dưới cái nắng chấp chới, châu thổ hóa thành một huyền thoại. Hơi nóng bốc lên đẩy trời cao thêm. Trời cứ thể cao mãi ra, nhìn xuống một vùng châu thổ chỉ còn là mảng nâu xám với mấy ngàn đầu người nhô lên như nấm đòi nước. Thứ nước chảy ào ạt vào can, thứ nước sóng sánh theo mỗi vòng xe đạp trên đường. Thằng nhỏ cố đạp nhanh. Nắng tháng năm tráo trở trút lên da thịt trẻ con đang phồng rộp. Một gã khùng đầu trần đi trên đường làng, vừa đi vừa hát mấy bài nhạc chế tục tĩu. "Ê... nhỏ...".

Nó ngoái nhìn, nhưng cứ chạy.

Thình lình, chiếc xe sụp xuống ổ gà, đổ nhào xuống đường. Mặt rát đau, máu rướm hai đầu gối nhưng nó chỉ quan tâm hai can nước đang nằm chỏng chơ trên đường. Một chiếc nắp vặn không kín, văng đâu mất sau cú rơi, nước từ miệng can chảy ra ừng ực như người đang hấp hối. Châu thổ sẽ lấy lại từng giọt, trong cái âm vang của cơn giận dữ tích tụ, đợi biển tới.

Nó lồm cồm ngồi dậy, cà nhắc đi đến lượm lại hai can nước. Trút hết số nước còn lại từ can nước bể sang can mất nắp, lấy nắp vặn kín, đoạn soi bóng nước trong can dưới ánh nắng chính ngọ, chẳng làm sao để nó đầy lại được.

Mặt trời chảy lên tấm thân nhầy nhụa. Bàn chân trần giẫm lên da thịt nóng rẫy của châu thổ. Chiếc xe nằm bên vệ đường, bánh trước móp méo, bánh sau theo quán tính vẫn còn xoay chậm chậm, bị bỏ lại sau chiếc bóng bé nhỏ cà nhắc lôi can nước, nhòe trong hơi nóng mùa hè.

Chỉ còn lại thằng điên trên đường, vừa đi vừa hát.

 

Theo HUỲNH TRỌNG KHANG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.