Góc ban công yên bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phố với bao ngổn ngang xô bồ, bao vội vã chóng vánh, đâu đó vẫn giữ cho riêng mình những khoảng lặng thuộc về tâm hồn. Đó là một góc ban công hướng ra thênh thang trời xanh mây trắng, nắng loang loáng đậu trên những cánh hoa. Ở nơi ấy, nhịp sống như bánh xe lăn chậm rãi, nhẫn nại. Một ánh nhìn mơ hồ, bâng quơ trước màu hoàng hôn man mác cũng đủ khiến lòng dịu lại, miên man theo tiếng gió hát du dương.
Có những sớm mai tôi ngồi ở ban công lặng nghe tiếng trở mình của thời gian. Chùm hoa giấy đằm thắm thắp lên khoảng trời từng đốm lửa hồng bé nhỏ, rung rinh khe khẽ trong làn gió lành lạnh. Những dây thường xuân biêng biếc, quấn quýt nhau dệt thành một tấm thảm xanh cheo leo quanh cánh cửa sổ khép hờ. Tôi ngồi một mình để những đốm nắng tinh khiết đầu ngày vương trên tóc, chảy xuống vai, xuống bàn tay đang nâng niu từng cánh hồng nồng nàn, ngan ngát. Buổi bình minh có lẽ là món quà vô giá dành riêng cho những người có thói quen dậy sớm, thích tận hưởng cảm giác thanh bình, tự tại, điềm nhiên. Ở góc ban công, bốn bề chỉ có nắng gió, chim muông, lá hoa bầu bạn. Quanh mình ngập tràn niềm thanh thản.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Tôi ở phố bao năm, chiều tan tầm chỉ muốn về với căn gác trọ thân thuộc chất chứa vui buồn đã qua, nhấp một ngụm trà nóng rồi ngồi ở ban công đọc một vài trang sách, nghe ký ức ùa về thủ thỉ. Hoặc loay hoay đào đất gieo những hạt giống mới mua về của một loài hoa đẹp, lòng cứ ngỡ như đang gieo cả niềm thương nhớ khoảnh vườn xanh mát ở quê nhà. Có những mảnh hồn quê bình dị vẫn lặng thầm nép sau bao lộng lẫy của phố, nhắc nhớ lòng người tha hương về nguồn cội, nghĩa tình.
Từ ban công, tôi ngồi lặng yên nghe tiếng rao chiều lẻ loi vang lên giữa những tòa nhà kín cổng cao tường, mỗi tiếng rao đi qua để lại trong tôi một niềm riêng man mác. Chỉ cần nghe tiếng rao “Đậu hũ đây…” vọng về khắc khoải là trong tâm trí tôi lại hiện lên bóng hình người phụ nữ lam lũ với vành nón trắng tất tả cùng đôi gióng đơn sơ, dáng người nhỏ bé lọt thỏm giữa tấp nập phố phường. Đó còn là tiếng rao trầm đục của người đàn ông bốn mùa phơi gió phơi sương cùng nồi bắp luộc, của cô ve chai gồng mình đạp chiếc xe cút kít, của chị hàng hoa quả áo đẫm mồ hôi… Mỗi tiếng rao vọng về đều tạc vào lòng tôi những thân phận, những trầm lắng cuộc đời.
Góc ban công cho tôi phút giây sống chậm lại, đối diện với chính mình, biết trân quý từng khoảnh khắc được hòa trong những yêu thương bình dị, ấm áp. Miên man cùng những điều được mất đã qua, để nhận về mình bao lẽ sống sau những thử thách, vấp ngã. Ngồi ở ban công hướng mắt ra xung quanh, tự vẽ trong lòng mình một bức tranh nơi góc nhỏ phố thị với bao mảng màu, vui có, buồn có, ấm cúng và cô đơn, xót xa và hạnh phúc. Một gia đình nhỏ quấn quýt bên nhau, những đứa bé ríu rít bên người mẹ đang phơi quần áo. Một thiếu nữ ngồi bó gối ở ban công nhìn xa xăm như đợi chờ ai. Một cậu nhỏ cắm cúi vào màn hình điện thoại cùng những trò chơi bất tận… Tất cả tạo nên nhịp sống đều đặn từng ngày.
Góc ban công là nơi tôi đồng điệu cùng phố, nơi tôi vẫn ngồi ngắm trăng những ngày rằm, hát vu vơ để dặn lòng quên đi nỗi buồn vô cớ. Đó còn là nơi lặng thầm gắn bó cùng tôi qua bao chông chênh giữa xứ người xa lạ, để mỗi lần rời phố về quê, lòng vẫn nao nao nhớ một góc nhỏ yên bình…
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...