Mùa bắp cải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trưa nay, tôi đi dạy về qua cánh đồng ven đường, thấy nông dân đang rộn ràng thu hoạch bắp cải. Dưới cái nắng óng vàng, trong cơn gió hanh rì rào của hàng cây muồng vàng, những chiếc bắp cải chắc nịch dội về trong tôi biết bao cảm xúc.
Bắp cải đã trở thành điều gì đó rất quen thuộc với những người ra đi từ chốn quê nghèo. Trong những cuộc giao tiếp, để nói về tuổi tác, có người còn tếu táo giới thiệu: “Tôi đã trải qua 50 mùa bắp cải rồi đấy nhé!”. Nói như thế không hẳn chỉ để xưng tuổi, mà người ta còn ngầm nhắc đến một thời nghèo khó, lam lũ nhưng chất phác, thật thà.
  Minh họa: Huyền trang
Minh họa: Huyền trang
Bắp cải gần gũi với từng hộ gia đình quê tôi. Những đứa trẻ ngày ấy thường gánh nước tưới chăm từng luống cây, nâng niu từng chiếc lá cho đến khi lá cuộn bông tròn chắc nịch. Bắp cải phải trồng đúng mùa, cần được tưới tắm bởi chút sương mù cuối thu và chút hanh hao gió của ngày đầu đông. Từng chiếc bắp cải kín đáo cuộn tròn tinh chất của trời pha trộn với những chất dinh dưỡng của đất để tạo nên vị ngọt rất riêng. Người ta thường cắt cái bắp thật chắc để luộc, vớt rau ra rồi cho vài quả cà chua vào luộc tiếp. Thế là có một dĩa bắp cải luộc và một tô nước canh cà chua dôn dốt rất đưa cơm. Có rất nhiều món ăn được chế biến từ bắp cải như: bắp cải xào, bắp cải non trộn chua ngọt, sang hơn thì xé thịt gà luộc trộn chung thành món gỏi khai vị. Và bắp cải muối dưa thì… mới nghĩ đến đã thấy thèm. Dường như chỉ có bàn tay mẹ mới có thể biến đổi cái bắp cải thần thánh thành món ăn đặc biệt ấy. Mẹ muối dưa bằng những lá bắp cải già được thái sợi mịn và đều như thái máy, rồi trộn cùng với rau cần nước đã được bỏ lá, xắt chừng 3 cm đều tăm tắp, bóp muối sơ sơ, rồi dồn tất cả vào cái hũ sành đầu hồi. Cái hũ thơm từ khi mẹ mới bỏ nguyên liệu vào khiến chúng tôi nghĩ đến những tô cơm nguội, chỉ cần vài gắp dưa bắp cải ấy, tô cơm nguội hết veo trong vòng… một nốt nhạc.
Cánh đồng ven đường hôm nay mênh mông là bắp cải. Người ta trồng kinh doanh nên đã đầu tư dàn tưới nước tự động rất đẹp, rất tiện lợi. Những búp bắp cải nõn nà khiến tôi phải dừng xe, nhón đôi giày cao gót len qua những cụm cỏ ướt ơi ới gọi chủ vườn hỏi mua bắp cải. Từng đống, từng đống bắp cải được phân loại lớn nhỏ khác nhau. Bà chủ vườn giới thiệu giá cả của từng loại bắp cải, trong đó loại lớn và trung thì đã được thương lái cắt giá, cân xong, chỉ chờ khuân lên xếp vào chiếc xe tải ngoài kia. Xe tải lăn bánh là bắp cải được chuyển ra các chợ đầu mối, theo thương lái rồi về bếp ăn của từng gia đình. Những cái bắp cải nhỏ, rất nhỏ thì được xếp gọn gàng vào vào từng bì, mỗi bì chừng 20 cái. Chủ vườn bảo loại này thương lái không cân nên chỉ chia sẻ cho hàng xóm để vui cùng mùa thu hoạch với gia trang. Khi tôi hỏi mua một bì, bà cười rất hiền bảo tôi đưa bao nhiêu cũng được. Chợt thấy thật ấm lòng vì sự chất phác, hiền hòa của con người nơi đây.
Những câu chuyện cứ thế xoay quanh chiếc bắp cải tròn. Ký ức thời niên thiếu có dịp là lại tràn về trong ta mỗi khi bắt gặp trên đường đời một hình ảnh thân quen. Nhận ra, đôi khi chỉ cần sống chậm lại một nhịp, ta sẽ cảm nhận được nguồn vui quanh mình.
THUẬN ÁNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.