Đốm lửa mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hình như mùa cũng như cuộc đời. Xuân hồn nhiên đến, hạ hồ hởi, thu trầm tư còn đông sâu lắng. Trong một ngày gió đem về cái lạnh đằm sâu cuối thu hay sự khởi đầu non nớt của đông, cổ áo dường như còn chưa muốn cao thêm. Ta còn lưu luyến gì ở bên kia dãy đồi? Nơi ấy lá cũng đã rụng, mây đã về quần tụ, gió đã đi hoang suốt đêm qua mà chưa được nghỉ chân...
Sớm nay, trời nhạt màu pha trắng đục, cái ngã ba Phố núi bỗng dưng là lạ. Bà cụ già bán nước bên gốc cổ thụ đã nhóm lửa từ lúc nào. Cái bếp lò nhỏ lắm, siêu nước cũng nhỏ, lửa cũng khiêm nhường lấp ló trong làn sương mỏng. Phía trên chiếc bàn gỗ thông dưới mái bạt, ông cụ đã quấn chiếc khăn len to sụ. Nhớ có lần ông bảo:
- Mỗi năm, cái khăn len sợi to này lại ở với tôi lâu hơn, nghĩa là mỗi tuổi, mùa đông của tôi dài hơn của anh.
   Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Cái bếp lò ấy đỏ lửa là khi cái lạnh về. Ai đi qua khúc đường cũng muốn nán lại đôi chút để cảm nhận tín hiệu ấy. Ừ, thì ra đông đấy. Gớm chưa, lại hết năm, hóa ra bao ngày qua ta đâu có làm nổi việc gì. Lửa nhóm lên lại thấy ngày qua vô thường.
Phố núi chẳng giống ở đâu, mùa lạnh có cái lý riêng mà khác biệt. Phía xa, cánh rừng đã thưa, những thân cây lấy gỗ đơn điệu ít cành lá, cái lạnh như trôi tuột xuống mà phủ kín đất nâu.
Tôi bước xuống chuyến xe. Đất đỏ lặng như mặt trời bao ngày đã ngủ vùi trong đất, bàn chân dính bùn mà vẫn ấm. Ờ thì ta đi bộ, đường có xa, chân có mỏi vẫn là đất quê, phố quê, đi mải miết ngần ấy năm tháng, suốt bốn mùa mà hôm nay vẫn lạ. Rồi mùa đông này, đốm lửa ấy cũng sáng lên nhưng khó khăn lắm mới trụ lại khi gió đã già nua trên miền núi cao này. Người con gái của đôi vợ chồng ấy bàn tay còn non nớt vụng về, cái khăn mỏng khoác hờ trên vai. Tuổi ấy hình như người ta chưa sợ cái lạnh. Thắp lên đốm lửa để nói với mọi người rằng cha mẹ cô đã đi xa, khuất phía núi, phía rừng. Bao người đi qua ngước nhìn, như là tò mò, kỳ dị thấy giữa phố xá có một tín hiệu hoang dã. Không, người ta đã đợi rất lâu rồi, đợi ngọn lửa ấm lòng để sưởi cho những mái nhà đang rùng mình vì lạnh. Khúc đường ấy vẫn cong để những vòng xe chậm lại, những âu lo điềm đạm lại, những kiếm tìm tỉnh ngộ cơn mê. Lửa rọi vào cõi vô minh, vào lãng quên ư? Có lẽ đâu có huyền viễn đến vậy. Chỉ là lửa báo mùa lạnh đã về. Lửa mới lắm, ấm lắm thì chả có cớ gì lòng ta còn cũ kỹ.
 Bùi Việt Phương

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...