Về làng nghề nón lá Gò Găng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời tiết đã vào cuối thu nhưng cái nắng đồng bằng ở Bình Định vẫn như rang. Thị trấn Gò Găng nằm trên con đường chính vào sân bay Phù Cát đầy bụi đỏ vì hạ tầng đang được cải tạo, mở rộng. Tôi hỏi đường để vào thôn Kiều An, Phú Thành… để tìm về làng chằm nón lá truyền thống. Các mẹ, các chị nơi đây nghe tin có người hỏi tìm làng nón Gò Găng liền vội vàng ra mở cửa đón khách.
Nghề chằm nón lá Gò Găng cũng như các làng nghề truyền thống Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), Thuận Hạnh (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) có từ lâu đời, ít nhất cũng gần 300 năm nhưng có lẽ thịnh hành nhất là vào thời nhà Tây Sơn, khi mà loại nón ngựa ra đời thường dành cho tầng lớp trung lưu và quan lại sử dụng.
Về hình thức, chất liệu, nón lá Gò Găng không khác mấy với nón bài thơ xứ Huế. Đến nay, chưa có tài liệu nào đề cập đến chiếc nón lá xứ Huế ra đời trước hay nón lá Gò Găng có trước. Không ai biết làng nghề truyền thống chằm nón lá nơi nào có tuổi đời lâu hơn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chiếc nón lá xuất hiện ở Đàng Trong là một sự sáng tạo của người Việt trong thời kỳ “mở cõi về phương Nam”. Trong khi đó, người Đàng Ngoài (xứ Bắc) hầu hết sử dụng nón ba tầm, sau này cải tiến thành nón quai thao.
Ban đầu, chiếc nón được làm ra để che mưa, che nắng, dần dần nó được cải tiến, nâng cấp với chất lượng và thẩm mỹ cao hơn, kỳ công hơn và đối tượng sử dụng nó cũng bó hẹp trong một giới nhất định (giới nữ với nón bài thơ) hay thành phần quyền quý, giàu có (nón ngựa)…
Nghề làm nón lá có nhiều công đoạn nhưng việc chằm nón đòi hỏi phải có sự chăm chỉ, khéo léo của bàn tay phụ nữ. Các mẹ, các chị trong các làng nghề nón truyền thống ở Gò Găng hiện nay là những lao động chính sản xuất nón lá đại trà và thường tập trung vào thời điểm nông nhàn hay tận dụng những giờ rảnh rỗi.
Sở dĩ, xưa nay có thương hiệu “nón lá Gò Găng” là vì trước đây, các địa phương sản xuất nón lá ở tỉnh Bình Định đều tập trung về chợ nón Gò Găng để tiêu thụ trong cả nước. Có lẽ, đây là chợ nón đầu mối lớn nhất ở miền Trung bấy giờ. Nón lá Gò Găng đã trở thành sản vật nổi tiếng không chỉ là công cụ để che mưa nắng mà nó còn là vật trang sức làm đẹp. Trong ca dao xứ Nẫu còn phổ biến câu: “Cưới nàng đôi nón Gò Găng/Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn”.
Một nhóm phụ nữ ở thị trấn Gò Găng (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đang chằm nón. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Một nhóm phụ nữ ở thị trấn Gò Găng (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đang chằm nón. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Để làm ra chiếc nón đạt chất lượng cao sử dụng cho trang sức hay nón cho giới quan lại tốn nhiều công sức và vật tư hơn. Nón ngựa ở Phú Gia là một sản vật đặc trưng của địa phương, được chế tác kỳ công với kết cấu đặc biệt và nhiều công đoạn công phu. Các nguyên liệu như: lá cọ (lá kè), cật giang, rễ dứa làm chỉ khâu… đều được chọn lựa kỹ càng, phơi nắng, phơi sương để đạt đến độ bền tối đa. Hoa văn trên nón ngựa được chọn các hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa Việt như: long-ly-quy-phụng, hoa sen, bầu rượu… Đặc biệt, trên chóp nón ngựa được gắn chóp bịt bạc hoặc đồng.
Ngày xưa, thời nhà Tây Sơn, nón ngựa sản xuất chủ yếu dành cho quan lại đội khi ngồi trên lưng ngựa. Tùy theo phẩm trạch mà người ta thêu hoa văn, gắn chóp bằng kim loại gì trên chiếc nón ngựa. Chính vì được chế tác kỳ công nên độ bền của nón ngựa có thể giữ được hàng trăm năm. Ngày nay, thường chỉ khi nào có khách du lịch yêu cầu đặt hàng làm nón ngựa thì các nghệ nhân làng nghề nơi đây mới chế tác.
Sở dĩ, hiện nay các làng nghề truyền thống làm nón lá ở Bình Định còn tồn tại mặc dù sản phẩm làm ra và tiêu thụ không nhiều như xưa, là nhờ nguồn cung cấp nguyên liệu khá dồi dào từ vùng rừng núi phía Đông Gia Lai (chủ yếu là rừng vùng Kbang). Hai loại nguyên liệu tự nhiên làm nên chiếc nón lá là lá cọ (lá kè) và cây giang núi. Các loại cây lá này có nhiều ở rừng tự nhiên phía Tây Bắc Bình Định (hiện nay nằm trên địa phận rừng ở Kbang hay Kon Plông (tỉnh Kon Tum).
Theo nhận xét của nhiều người, nón lá Gò Găng của miền đất võ về mặt kết cấu và chất liệu không khác mấy với nón bài thơ xứ Huế, nhưng chiếc nón-sản phẩm của người Bình Định có vẻ cứng cáp, đầy đặn, chân chất hơn, có thể sử dụng cho cả nam và nữ khi lao động ở ngoài trời.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Chuyện người Jrai xã Gào bảo tồn cồng chiêng

Chuyện người Jrai xã Gào bảo tồn cồng chiêng

(GLO)- Nhiều năm qua, nhiều hộ gia đình người Jrai ở xã Gào, TP. Pleiku đã tích cực gìn giữ các bộ cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ việc làm này, đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương.
Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.