Trong các Nghị quyết Trung ương của Đảng, phê bình và tự phê bình luôn là một trong những nội dung được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Để thực hiện việc phê bình và tự phê bình có hiệu quả, theo ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, vai trò của người đứng đầu, của cấp trên sẽ có tác động rất lớn đối với bên dưới, trên làm tốt sẽ là tấm gương cho dưới.
- PV: Phê bình và tự phê bình được Đảng ta nhận định là một trong những biện pháp quan trọng ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ông có liên hệ gì giữa việc phê bình và tự phê bình hiện nay với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Đảng ta chỉ ra?
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. |
Ông Phạm Thế Duyệt: Nếu nói phê bình và tự phê bình trong từng cấp ủy, từng Đảng bộ thì hiện nay, nói chung vẫn là yếu chứ chưa thể nói là mạnh. Nếu so với trước kia, công tác phê và tự phê có khá hơn, nhưng vẫn chưa tạo được phong trào chung, chưa tạo được hoạt động, hành động chung thì chưa thể nói sự phê bình và tự phê bình đã làm tốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn phê bình và tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp Đảng ta ngày càng thêm mạnh, ngày càng phát triển, càng nâng cao hơn nữa năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Vì thế, để thực hiện phê bình và tự phê bình, mỗi đảng viên hàng ngày phải soi gương, tự phê bình, tự liên hệ với công việc của mình.
Đối chiếu với công việc trong xã hội, đương nhiên không thể tránh được hết những khuyết điểm, yếu kém, nhưng trong đó do sự lãnh đạo, sự phê bình tự phê bình, làm rõ trách nhiệm của những người có trách nhiệm, các cấp có trách nhiệm hiện nay, riêng tôi cho rằng là yếu.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã nhấn mạnh việc tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng.
- PV: Việc phê và tự phê một cách hình thức, thậm chí “phê bình kiểu khen ngợi” đã trở thành bệnh cố hữu trong nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay. Vậy theo ông có giải pháp nào để xóa bỏ?
Ông Phạm Thế Duyệt: Vấn đề này thuộc về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Bác Hồ thường nói cán bộ phải có đức và tài, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng có tài mà không có đức thì không thể làm được việc gì. Sự xuống cấp về đạo đức và lối sống là biểu hiện quan trọng nhất dẫn đến sự tha hóa. Cái đó là gốc của vấn đề. Tư lợi, cục bộ, coi trọng địa vị cá nhân, đề cao cá nhân, hãnh diện hão huyền nó cũng từ sự tha hóa phẩm chất đạo đức của người cách mạng.
Nếu không biết khắc phục những khuyết điểm thì rất dễ xảy ra việc phê bình thì ít, tâng bốc nhau lên để có mình trong đó thì nhiều.
Những biểu hiện này rõ ràng giờ đây không ít nơi đã xảy ra. Nhìn vào địa phương nào, Bộ ngành nào cũng có vấn đề, điều đó khó thể nói chúng ta đã làm tốt việc phê và tự phê. Các vụ việc xảy ra vừa qua như ở Yên Bái, Hà Tĩnh, Hậu Giang… nếu so với trước kia tôi cho rằng đây đang là điều không bình thường, đáng phải suy nghĩ. Những tình trạng này nếu không làm tốt thì các thế lực chống đối, các phần tử xấu sẽ lợi dụng kích động là rất bất lợi.
Thực hiện việc phê bình và tự phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên hãy tự soi mình vào cuộc sống của trên 90 triệu dân, tự soi mình vào hoàn cảnh của đất nước, tự soi vào việc làm của mình hàng ngày, thẳng thắn tự nhận ra khuyết điểm của mình, tự thấy mình là người lãnh đạo, là người đảng viên thì phải sống thế nào cho đúng mực, thực hiện những lời thề trước Đảng, trước dân.
- PV: Trong mỗi cuộc họp, vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng, họ là người cầm cân nảy mực cho một cuộc phê và tự phê bình của cán bộ, đảng viên. Với tình trạng phê và tự phê bình như hiện nay, vai trò của người đứng đầu có thể nói là chưa thể hiện tốt đúng không, thưa ông?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi cho rằng hiện nay là như vậy. Vai trò của người đứng đầu, của cấp trên sẽ có tác động rất lớn đối với bên dưới, trên làm tốt sẽ là tấm gương cho dưới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh "mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người".
Ở thời kỳ chúng tôi, cũng có những lúc phải đấu tranh nội bộ rất thẳng thắn nhưng mình vẫn giữ trọn nghĩa, trọn tình chứ không phải vì đấu tranh dẫn đến những hiểu lầm, đối xử với nhau mang tính cá nhân.
- PV: Thưa ông, trong tình hình hiện nay, việc phê và tự phê có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong việc đánh giá, sử dụng cán bộ?
Ông Phạm Thế Duyệt: Phê bình và tự phê bình là vấn đề rất quan trọng. Làm tốt được công tác phê và tự phê thì mới nhận diện rõ biểu hiện suy thoái tư tưởng đạo đức, biểu hiện lợi ích nhóm hay tham nhũng. Cũng làm tốt công tác này mới thấy được ai là người giành quyền hành cho cá nhân, gia đình, vợ con, ai là người có mối quan hệ gần gũi dân hay chỉ theo kiểu hình thức hành chính…
Trong phê bình và tự phê bình, phải kiên định, thẳng thắn thì mới làm rõ được những đúng sai. Cán bộ, đảng viên phải chỉ rõ cho nhau biết những khuyết điểm của mình, có như thế mới có thể khắc phục được bản thân.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Theo VOV