Nông nghiệp bền vững…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi lớn lên cùng cây đa ngay giọt nước của làng, nhìn thấy làng thay đổi từng ngày, mà mừng, mà lo vì làng tôi vẫn là một làng thuần nông.

  Chăm sóc vườn chanh dây (Ảnh nguồn: daklak24h.com.vn)
Chăm sóc vườn chanh dây (Ảnh nguồn: daklak24h.com.vn)

Bao năm nay rồi, nền nông nghiệp của nước ta đã thay đổi nhưng vẫn còn manh mún, chưa bắt kịp được với xu thế phát triển. Chính việc mạnh ai nấy làm, thân ai nấy lo nên dù sản xuất ra nhiều nhưng giá trị vẫn thấp, mặt hàng nông sản phong phú nhưng chủ yếu xuất thô. Đối với những thị trường khó tính, chúng ta mới dừng ở việc thăm dò, thâm nhập, còn sản phẩm đến được tay người tiêu dùng của những nước phát triển thì mới đếm trên đầu ngón tay.

Có lẽ vì sinh ra trong một gia đình thuần nông nên tôi phần nào thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Làm nông mà, luôn tay, luôn chân, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, rồi phải “trông trời, trông đất, trông mây”, dù những năm gần đây máy móc kỹ thuật đã cải tiến nhưng phần lớn sản xuất vẫn phụ thuộc vào sức người. Tôi kể ra 2 câu chuyện của làng tôi, dù nó không mang tính đại diện nhưng đó là một thực tiễn đáng ngẫm về nền nông nghiệp hiện nay.

Thứ nhất là “Bài ca chanh dây”. Người dân đổ xô đi trồng, thậm chí có nơi chặt cả cây công nghiệp lâu năm để trồng chanh dây. Người người trồng chanh dây, nhà nhà trồng chanh dây, làng làng đổ xô nhau mua cọc tre về làm giàn trồng chanh dây. Vài nhà trồng thấy có lời cao, một đồn mười, mười đồn trăm, người ta thấy tiền về mà chưa thấy cái bất lợi đang ẩn đằng sau nó.

Đầu tiên là giống, giống được mua từ nước ngoài (Trung Quốc) với chi phí một dây tầm khoảng 50.000 đồng đến 70.000 đồng. Sau khi mua về trồng, đến khi leo giàn, nhìn những chùm quả trĩu cành không ai biết rằng đó là cây trồng rất nhanh xấu đất và chóng bị bệnh, theo những hộ gia đình trồng xung quanh xóm thì họ cho biết “5 ngày phun một đợt thuốc bảo vệ thực vật”, vườn ai bị bệnh thì phun, tự mua thuốc, tự pha chế và phun, những hộ trồng không dám ăn vì thấy lượng thuốc bảo vệ thực vật phun quá lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người chăm bón, người tiêu dùng mà còn góp phần hủy hoại môi trường sinh thái rất ghê gớm. Người dân chưa bảo vệ được họ thì làm sao bảo vệ được cảnh quan môi trường chung. Có lẽ con suối Ayun hàng ngày cuộn chảy đã cuốn theo nó không ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, rác thải chảy về xuôi. Chăm sóc được giàn chanh rồi đến đầu ra. Ở huyện có mấy nơi thu mua chanh dây, họ cho biết xuất qua Trung Quốc, có hôm bữa trưa bán giá 15.000 đồng/kg buổi chiều lên 25.000 đồng/kg, nhưng cũng có hôm sáng còn bán được đến chiều họ không mua nữa. Giá cả bấp bênh khiến nhiều người trồng chanh dây thấp thỏm, lo như đánh bạc, được ăn cả ngã về… gán nhà cho ngân hàng.

Rồi đến cây hồ tiêu. Hồ tiêu được phát triển mạnh ở vùng Chư Sê, Chư Pưh nghe đâu cũng vượt quá quy hoạch rồi nhưng gần đây được người dân ở xã tôi khá chuộng. Mừng vì người dân đã biết suy nghĩ dài hạn, biết chuyển đổi cây trồng, chuyển thói quen khai thác tài nguyên thiên nhiên (rừng, khoáng sản) sang sản xuất nông nghiệp. Ấy thế nhưng, khi người dân rục rịch ủ phân, làm đất, giâm cành thì cũng là lúc mỗi nhà phải chia đôi người ra, mỗi rẫy phải làm một căn chòi để canh trộm, cứ mỗi buổi sáng lại hóng nhau bên ấm chè xanh để nghe hôm qua nhà ai mất tiêu. Nhà anh Bốn trồng 400 trụ, có đi giữ vườn nhưng lại qua chòi bên uống rượu nên bị nhổ không sót một cây. Nhà anh Lân nghe đâu hơn 200 trụ, thuê người ngủ canh đàng hoàng vậy mà họ nhổ sót đúng 1 dây. Sau khi cãi lý với người chủ, ông già đi ngủ thuê cãi lại rằng: “Nhà Lân thuê mình ngủ một đêm 10.000 đồng chứ đâu có thuê mình thức đâu mà mình biết nó nhổ trộm…”. Ôi chao ơi! Thế là xóm tôi lại chia đôi, đàn ông lại qua xóm “vợ nhỏ” ở rẫy để canh, các ông còn nói vui “có lẽ lập làng mới” vì giờ thì canh trộm giống, nhưng ít hôm lại canh kẻo bị cắt, rồi lại lo khi tiêu đến độ thu hoạch. Người đâu của đó cho chắc, trộm nó canh mình chứ mình đâu trông được nó.

Chúng tôi sinh ra từ làng, mỗi người làm một công việc khác nhau nhưng đều chung một trăn trở là làm sao để làng để xã phát triển bền vững. Khi mà chính sách vĩ mô còn bộc lộ vài điểm yếu thì bản thân mỗi địa phương, mỗi người dân cần được định hướng để có bước đi vững chắc cho tương lai. Viết tới đây tôi lại mơ người làng tôi sẽ có những tỷ phú. Ôi! Nhìn làng phát triển, vừa mừng mà lại vừa lo.

 Tạ Ngọc Điệp

Có thể bạn quan tâm

Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.