Gia Lai: "Sốt" hom mì giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thất vọng trước vụ mía thua lỗ nặng nề, hàng trăm nông dân ở khu vực Đông Nam tỉnh đã phá mía để trồng mì. Vì thế, giá hom mì giống tăng gấp 3-4 lần so với cách đây 1 tháng.

Niên vụ 2017-2018, diện tích mía nông dân trồng tự phát ở khu vực Đông Nam tỉnh tăng cao (riêng huyện Phú Thiện có khoảng 1.500 ha). Do không có hợp đồng thu mua với Nhà máy Đường Ayun Pa nên các hộ phải chặt bỏ vì không biết bán mía cho ai. Sau khi chặt mía, nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng mì. “Năm nay trồng mía thì lỗ nặng, còn trồng mì lại thắng to. Dự tính 3 ha mía chỉ lãi hơn 20 triệu đồng. Trong khi tôi trồng 1 ha mì, vừa rồi thu hoạch lãi đến 30 triệu đồng”-ông Nguyễn Văn Kim (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cho hay.

 

Một số hộ dân ở Phú Thiện mua hom mì giống ở tỉnh khác về bán kiếm lời. Ảnh: Đ.P
Một số hộ dân ở Phú Thiện mua hom mì giống ở tỉnh khác về bán kiếm lời. Ảnh: Đ.P

Nông dân đua nhau trồng mì đã đẩy giá hom mì giống tăng cao. Anh Đinh Hiah (làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) vượt hơn 40 km ra tận đại lý ở xã Ia Sol để mua  hom mì giống về trồng. Vụ mùa năm nay, anh Hiah trồng 2 ha mì. “Năm nay, mình phải ra tận đây mua hom mì giống vì trong làng người ta trồng nhiều nên không ai còn giống để bán. Giá hom giống đầu mùa chỉ 10.000 đồng/bó loại 20 cây, giờ đã tăng lên 30.000 đồng/bó”-anh Hiah nói.

Nhu cầu hom mì giống tăng cao, nhiều tiểu thương từ tỉnh Phú Yên đánh ô tô lên các huyện vùng Đông Nam tỉnh để tìm mua về bán kiếm lời khiến cho mặt hàng này càng thêm khan hiếm. Chị Nguyễn Thị Hòa (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đi theo xe tải lên mua hom mì giống ở huyện Phú Thiện cho hay: Giá mía thấp quá nên nông dân thua lỗ. Gần 2 tháng nay, người dân các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh chuyển từ mía sang trồng mì nên hom mì giống rất khan hiếm. Cứ 2-3 ngày, tôi lại chở về dưới đó 1 xe tải hơn chục tấn hom mì mà vẫn bán hết veo.

Nắm bắt cơ hội làm ăn, một số hộ dân ở huyện Phú Thiện vào tận tỉnh Bình Thuận mua hom mì giống về bán. Ngay khu vực cầu 42 (xã Ia Sol) có 3 đại lý hom mì giống bán rất chạy. “Mì tôi lấy về từ Bình Thuận là giống cao sản lá đỏ, thân đỏ bán với giá 30.000 đồng/bó loại 20 cây; còn mì siêu bột thân trắng, lá trắng, cây nhỏ hơn thì bán với giá 40.000 đồng/bó”-ông Trần Văn Hải-chủ đại lý hom mì giống gần cầu 42, cho biết.

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện xác nhận, diện tích mì của người dân Phú Thiện năm nay tăng cao, dự kiến hơn 1.500 ha. “Hiện đã có một số hộ dân đi mua hom giống ở các tỉnh khác về bán cho bà con nông dân. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra nguồn gốc, chất lượng giống xem có đảm bảo theo quy định hay không để tránh hom mì giống bị bệnh lây lan gây hại”-ông Quý nói.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.