Hỗ trợ người dân Krông Pa trồng rừng tập trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các cơ quan chuyên môn của huyện Krông Pa tích cực đôn đốc người dân phát dọn thực bì và đến trụ sở UBND các xã nhận cây giống để trồng rừng cho kịp thời vụ.
 

Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho biết: Tổng diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm cần phải kê khai trên địa bàn huyện theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 6.550 ha. Trong đó, giai đoạn 2017-2019 là 2.591 ha, giai đoạn 2020-2022 mỗi năm 863 ha và năm 2023 là gần 1.370 ha. Để công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng đạt kế hoạch đề ra, cơ quan chuyên môn và các xã đã tổ chức được 29 đợt tuyên truyền, vận động lồng ghép trong các buổi họp dân với khoảng hơn 4 ngàn lượt người tham gia; in 7.000 tờ rơi có nội dung về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng giao cho UBND các xã để cấp phát, tuyên truyền đến người dân. Đến nay, toàn huyện đã có 1.829 hộ dân tự nguyện kê khai diện tích đất rừng lấn chiếm với hơn 2.952 ha (các xã 2.894 ha, chủ rừng 58 ha).

 Cây keo lai được huyện Krông Pa chuẩn bị để cấp cho người dân trồng rừng năm 2019.                          Ảnh: G.H
Cây keo lai được huyện Krông Pa chuẩn bị để cấp cho người dân trồng rừng năm 2019. Ảnh: G.H



Xác định việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng nên huyện Krông Pa đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, người dân tham gia trồng rừng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn 30 năm với mục đích trồng rừng; được hỗ trợ 7 triệu đồng/ha rừng trồng; riêng hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 15 triệu đồng/ha để trồng và chăm sóc rừng; người dân được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng.

Theo kế hoạch, năm 2019, toàn huyện Krông Pa sẽ trồng 100 ha rừng tập trung. Để giúp người dân xuống giống kịp thời vụ, Hạt Kiểm lâm huyện đã cấp 113.142 cây keo lai đợt 1 cho 58 hộ đăng ký trồng với diện tích gần 73 ha. Ngoài ra, một số hộ đã tự chuẩn bị giống để trồng với diện tích khoảng 40 ha. Ông Ra Lan Tha (buôn Ma Jai, xã Đất Bằng) cho biết: “Sau khi nghe cơ quan chuyên môn của huyện và chính quyền xã tuyên truyền, chúng tôi nghiêm túc chấp hành theo chủ trương của Nhà nước. Năm nay, gia đình tôi đã đăng ký và được hỗ trợ 2.105 cây keo lai để trồng hơn 1,2 ha rừng. Trước mắt, khi cây keo lai còn nhỏ, tôi tranh thủ trồng xen cây lương thực”. Tương tự, hộ anh Nay Khiêu (buôn Sai, xã Chư Ngọc) cũng vừa nhận 2.855 cây keo lai giống về để trồng trên diện tích hơn 1,6 ha mà trước đó trồng mì. “Tôi đã phát dọn thực bì và chuẩn bị xuống giống. Hy vọng sau vài năm nữa, gia đình tôi sẽ có thu nhập ổn định từ diện tích rừng trồng”-anh Khiêu chia sẻ.      

Trao đổi với P.V, ông Trương Quốc Dụng cho biết, Krông Pa hiện đã bước vào mùa mưa nên Hạt Kiểm lâm triển khai cấp cây giống cho người dân trồng rừng. Dự kiến năm nay, huyện sẽ trồng được 120 ha rừng tập trung, vượt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cũng chủ động thống kê diện tích người dân sản xuất nông nghiệp trên đất nương rẫy không hiệu quả để chuyển đổi sang trồng rừng. “Để hoàn thành kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng, UBND huyện đang tiến hành kiểm tra, đánh giá lại những diện tích rừng trồng năm 2018. Nếu diện tích này thành rừng, huyện sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ khuyến khích người dân gắn bó với rừng và phát triển ổn định, lâu dài”-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa nhấn mạnh.

GIA HƯNG


 

Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:

 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy

 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

 

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.