Chiếc khẩu trang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Chú ơi, lần sau chú nhớ kéo khẩu trang lên nha”-cậu bé cạnh nhà tôi lên tiếng nhắc nhở người đàn ông giao cà phê. Mẹ cháu bé vốn nghiện cà phê nhưng phải là cà phê ép máy. Tuy nhiên, thay vì la cà quán xá như trước, chị chọn dịch vụ giao tận nhà để hạn chế tiếp xúc, đảm bảo an toàn phòng dịch. 
Như thường lệ, người giao cà phê mang đến cửa, chị hoặc con trai sẽ đeo khẩu trang cẩn thận mới ra nhận. Song lần này, có lẽ vì sơ ý hoặc cũng có thể do chủ quan nên người giao cà phê đã kéo khẩu trang xuống quá cằm. Đương nhiên, cậu bé kia do được gia đình nhắc thường xuyên nên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch và cũng muốn người lớn gương mẫu chấp hành.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã làm mỗi người trong chúng ta buộc phải thay đổi thói quen và chọn cách thích nghi. Như chị hàng xóm gần như bỏ luôn thói quen la cà quán xá vào mỗi sáng; còn cậu bé con chị luôn tuân thủ việc đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà và bỏ vào giỏ rác ngay khi về. Trước đây, tôi từng nói không với khẩu trang vì cảm thấy ngột ngạt, phiền phức và mất thời gian. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, dù không muốn cũng phải thường trực khẩu trang khi ra đường. Trong túi xách, cốp xe, tôi luôn dự phòng chiếc khẩu trang mới để sẵn sàng thay khi cần. Âu cũng là để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Khẩu trang là 1 trong 5K mà Bộ Y tế khuyến cáo đến tất cả người dân để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh. Thế nhưng vẫn còn nhiều người chưa chấp hành đeo khẩu trang khi ra đường, nơi công cộng. Trường hợp một phụ nữ ở TP. Hồ Chí Minh hành hung nhân viên bảo vệ chung cư khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang hay người đàn ông ở TP. Đà Nẵng gây gổ, thậm chí vác ghế gỗ tấn công lực lượng chức năng cũng chỉ vì bị nhắc đeo khẩu trang chỉ là cá biệt, tất nhiên họ sẽ bị xử lý theo quy định.
Ngay tại TP. Pleiku, ngành chức năng cũng đã xử phạt hàng trăm trường hợp không chấp hành nghiêm các quy định về phòng-chống dịch, trong đó có việc không đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng. Ngày 5-9, Chủ tịch UBND phường Diên Hồng đã ký quyết định xử phạt 6 triệu đồng đối với 2 trường hợp không đeo khẩu trang và ra đường trong thời điểm thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chưa kể, vẫn còn nhiều trường hợp đeo khẩu trang chỉ để đối phó với lực lượng chức năng. Lại có người đeo khẩu trang không đúng cách như 1 chiếc khẩu trang y tế đeo từ ngày này qua ngày khác. Người đeo khẩu trang vải nhưng lúc nóng quá tháo ra lau mồ hôi rồi đeo tiếp. Cũng có trường hợp đeo khẩu trang cho bản thân nhưng lại quên đeo cho con nhỏ…
Những ngày này, tỉnh ta tiếp nhận một lượng lớn công dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về, đi ngang qua địa phương và trong số đó nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Mặc dù các trường hợp này đã được cách ly tập trung ngay khi về tỉnh, nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là. Dịch bệnh nguy hiểm ra sao tất cả đều đã quá rõ. Thói quen rất khó thay đổi nhưng chúng ta đang “sống chung” với Covid-19, dù muốn hay không đều buộc phải thích nghi. Và chỉ khi thích nghi, tự giác chấp hành quy định mới có thể bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng.
AN NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

(GLO)- Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) để sưu tầm thêm tư liệu, phục vụ triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người anh hùng huyền thoại (2/5/1914-2/5/2024).

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.