Bất thường thương lái ồ ạt mua vỏ thông khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, người dân vùng đồi tỉnh TT-Huế đã ồ ạt tìm cách khai thác loại vỏ thông khô, dẫn đến nguy cơ bức tử rừng thông nhựa, thông cảnh quan sinh thái vốn còn sót lại rất ít ỏi.
Cây thông còn sống này đã bị dân “tùng xẻo” hết lớp da bên ngoài và chỉ còn chờ chết khô để lấy hết phần vỏ còn lại
Tùng xẻo” cây tươi
Vùng gò đồi tỉnh TT-Huế từ nhiều năm nay vẫn còn những mảng rừng thông cảnh quan, rừng thông lấy nhựa hiếm hoi sót lại trước “cơn lốc” trồng rừng kinh tế với tràm hoa vàng, cây keo lai thay thế hàng loạt. Tuy nhiên, số rừng thông còn lại này đang đứng trước nguy cơ bị bức tử, chết dần chết mòn do tình trạng khai thác vỏ cây thông bán cho thương lái diễn ra ồ ạt.
Tại khu rừng thông của Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Hương Thọ nằm trên thượng nguồn sông Hương thuộc xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế),  mỗi ngày có hàng chục người đến lùng tìm vỏ cây thông khô. Dân địa phương cho biết, lúc cao điểm, nơi đây có gần cả trăm người đến lấy vỏ thông khô để bán cho thương lái. “Mặc dù thời tiết đang nắng nóng, nhưng cả thanh niên và người già bao gồm dân địa phương và các vùng lân cận đều ồ ạt vào rừng thông để khai thác vỏ cây khô”, một phụ nữ đi lấy vỏ thông tại xã Hương Thọ cho hay.
Không những lấy vỏ cây thông già chết khô, người dân còn lợi dụng những lúc vắng chủ rừng, hay đêm khuya, dịp nghỉ lễ để lén lút xâm hại cả những cây thông tươi, cây thông còn sống mạnh khỏe để lấy vỏ. Để lấy được vỏ thông, một số người nghĩ ra thủ đoạn chặt phá hết lớp da vỏ gần gốc những cây thông còn sống, khiến cây chết dần rồi bóc lấy vỏ khô cả cây đem về bán. Ông N.V.H, một người khai thác vỏ cây thông, không giấu giếm: “Khi vỏ thông khô không còn nhiều, nhưng vì nhu cầu của thương lái quá lớn, nên người ta sẵn sàng nhắm đến những cánh rừng thông đang sinh trưởng tốt. Vẫn biết làm vậy là vi phạm pháp luật, xâm phạm tài sản và môi trường cảnh quan, nhưng một số người vẫn bất chấp”.
Theo tìm hiểu của PV, vỏ thông sau khi được khai thác từ các cánh rừng vùng gò đồi TT-Huế được người dân bó lại, đóng vào bao tải rồi tập kết thành những đống lớn dọc đường, chờ thương lái đến gom mua. Mỗi cân vỏ thông khô được bán cho thương lái với giá từ 1.500-1.800 đồng. Nhiều hộ huy động người nhà đi bóc vỏ thông với số lượng lên đến hàng tấn. “Có người nói với chúng tôi, vỏ thông được gom bán cho những cơ sở chuyên trồng phong lan để họ làm giá thể cho cây hoa sinh sống”, một người dân Hương Thọ sống gần lăng Minh Mạng cho biết. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây lại tiết lộ, vỏ cây thông được khai thác ồ ạt thời gian qua nghi là để bán cho các thương lái Trung Quốc. Còn thương lái thu mua về để làm gì thì chưa ai rõ, kể cả các cơ quan chức năng.
Chưa rõ vỏ thông chuyển đi đâu?
Trao đổi với PV, ông Lương An, Giám đốc HTXNN Hương Thọ, xác nhận có tình trạng người dân khai thác vỏ thông khô trong phạm vi rừng do đơn vị quản lý và việc xâm hại cả những cây thông còn sống. Việc khai thác, thu mua vỏ thông khô nhằm vào mục đích gì và chuyển đi đâu thì vị này không rõ.
Còn theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế, việc khai thác vỏ thông để bán cho thương lái là điều bất thường, chưa từng xảy ra trên địa bàn. Đơn vị vừa tiếp nhận thông tin và sẽ phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra để có biện pháp xử lý, đặc biệt là tăng cường bảo vệ những cánh rừng thông nhựa, thông cảnh quan vốn còn sót lại ít ỏi tại vùng gò đồi phía tây TT-Huế trong thời gian tới.

Vỏ thông sau khi được khai thác từ các cánh rừng vùng gò đồi TT-Huế đã được người dân bó lại, đóng vào bao tải rồi tập kết thành những đống lớn dọc đường, chờ thương lái đến gom mua. Mỗi cân vỏ thông khô được bán cho thương lái với giá từ 1.500-1.800 đồng.

Ngọc Văn (TP)

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.