"Lòng vòng" đường phố Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2015, Báo Gia Lai có bài phản ánh chuyện số nhà lộn xộn ở TP. Pleiku. 1 nhà 2 số (số cũ-số mới), dãy nhà số chẵn thì có nhà số lẻ hay dãy nhà số lẻ thì bỗng chen vào nhà số chẵn khiến việc tìm ra địa chỉ rất khó khăn. Sau 2 năm, những đường phố ấy, số nhà ấy chẳng khác mấy.

Tôi ở Pleiku ngót 20 năm, từng nhẵn tên các con đường lớn nhỏ nhưng nhiều lần vã mồ hôi khi tìm nhà ở phố. Từ đường Duy Tân chạy theo hướng Tây, rẽ phải là bắt đầu đường Trần Quốc Toản. Dãy bên tay trái là các nhà số lẻ nhưng chạy thẳng đường Trần Quốc Toản, đoạn cắt bởi đường Hai Bà Trưng thì chợt hiện ra nhà số chẵn 12! Gần sát đó là Trung tâm Y tế TP. Pleiku có số nhà 02 Trần Quốc Toản, nhưng đối diện với Trung tâm Y tế lại cũng là nhà đánh số 02 Trần Quốc Toản. Chuyện lộn xộn số nhà có lẽ không thể kể hết!

 

Việc đánh số nhà ở nhiều tuyến đường tại TP. Pleiku hiện vẫn còn rất lộn xộn.     Ảnh: internet
Việc đánh số nhà ở nhiều tuyến đường tại TP. Pleiku hiện vẫn còn rất lộn xộn.

Ngoài ra, nhiều đường phố Pleiku còn không nối nhau. Ở đây, tôi đang nói đến những con đường “cụt” từ phía bên này rồi “mở” ở phía kia con đường lớn, đường một chiều cắt ngang, đoạn đường bên này không nhìn thấy đoạn nối tiếp bên kia vì nó lệch nhau cả chục căn nhà với hàng mấy chục mét. Ví dụ, cũng con đường Trần Quốc Toản ấy, nếu chạy từ đường Bùi Thị Xuân xuống thì nó lần lượt bị cắt bởi các đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thị Minh Khai, Huỳnh Thúc Kháng. Xuống đến đoạn bị cắt bởi đường Phan Đình Phùng, số nhà 54 Trần Quốc Toản là “cụt”. Người ta phải chạy tiếp hơn 10 căn nhà, chừng 20 m rồi cua lại đoạn đường Phan Đình Phùng ấy gần 10 m, rẽ phải mới vào lại đường Trần Quốc Toản.

Hoặc đường Phan Đình Giót bắt đầu từ đường Tô Vĩnh Diện, cắt qua đường Cách Mạng Tháng Tám rồi giao với đường Nguyễn Tất Thành. Tưởng như đường Phan Đình Giót chỉ có thế vì đứng chỗ giao nhau ấy nhìn qua bên kia đường Nguyễn Tất Thành sẽ không thấy có đường nào nối tiếp cả. Người tìm đường nối của Phan Đình Giót cần rẽ phải vào đường Nguyễn Tất Thành chạy ngược về hướng ngã ba Hoa Lư chừng 20 m, cua ngược lại chừng 30 m, rẽ phải thì tiếp tục là số nhà 107 Phan Đình Giót. Như vậy, đoạn đường Phan Đình Giót bên này lệch với đường Phan Đình Giót bên kia cả vài chục mét.

Chị Nguyễn Hằng (đường Phù Đổng, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho biết, chị bán hàng online nên từng đi giao hàng trên địa bàn TP. Pleiku nhưng đã rất lúng túng khi tìm xóm “thu nhập thấp”. Chị đã phải lòng vòng ở các cung đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, Võ Văn Tần rất nhiều lần khiến chuyến giao hàng bị trễ giờ, khách hàng chờ và trách móc chị không đúng hẹn. Thực vậy, đường Lạc Long Quân bắt đầu từ đường Lê Duẩn (quốc lộ 19) rẽ vào nhưng đang đi đến đoạn số nhà 58 thì có ngã rẽ, người nơi đây cứ gọi đùa rằng nếu muốn đi thẳng đường Lạc Long Quân thì phải rẽ trái, vì rẽ trái mới là tiếp tục đường Lạc Long Quân. Đường Âu Cơ và đường Triệu Quang Phục nối nhau bởi dãy nhà công vụ của Quân đoàn 3. Nếu đi vào đường Âu Cơ, phía bên phải là nhà dân với tên đường Âu Cơ, phía bên trái là khu nhà công vụ bộ đội. Chạy hết dãy A, hết dãy E khu nhà công vụ ấy là đến nhà số 89 đường Triệu Quang Phục.

Cùng song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, Bà Huyện Thanh Quan của làng Chuét (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) là một con đường không tên, không có số nhà vì không được đặt tên là hẻm của đường Lê Duẩn. Bà Hwang, một người cư trú tại “con đường không tên” này cho biết, nhà bà sinh sống ở đây từ năm 1980. Trích lục đất nhà bà ghi đường rộng 6 mét, ngang bằng với độ rộng của các đường Nguyễn Hữu Thọ, Huyền Trân Công Chúa. Theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ, con đường này đủ điều kiện để đặt tên như các đường song song với nó đã kể trên.

Những cung đường lòng vòng, lệch nhau có lẽ còn đâu đó mà tôi chưa đi hết. Thiết nghĩ, các nhà chức trách cần có kế hoạch rà soát, đặt lại số nhà cho phù hợp, đảm bảo mỹ quan đô thị và tránh gây khó cho người dân khi cần tìm kiếm số nhà, giao dịch...

Thuận Ánh

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.