An Khê: Thay lắp đồng hồ nước với giá cao, người dân bức xúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước trên địa bàn thị xã An Khê và vùng phụ cận do Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê làm chủ đầu tư đang dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân địa phương tỏ ra bức xúc vì Công ty thông báo lắp mới và thay thế đồng hồ đo nước cũ với giá khá cao.

Hơn 1 triệu đồng/đồng hồ

Nếu như trước đây, Nhà máy Nước An Khê xuống cấp, nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm thì kể từ đầu năm 2016 đến nay, chất lượng nguồn nước máy sinh hoạt ở An Khê đã dần được cải thiện, tạo sự an tâm trong nhân dân.

Dự án đang trong giai đoạn lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước. Ảnh: Hồng Thi
Dự án đang trong giai đoạn lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước. Ảnh: Hồng Thi

Theo đó, Dự án đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước trên địa bàn thị xã An Khê và vùng phụ cận có tổng mức đầu tư là 160,9 tỷ đồng; công suất thiết kế giai đoạn đầu của nhà máy là 9.500 m3/ngày đêm; dự kiến hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao vào tháng 4-2018. Hiện nay, Dự án này dự án đang hoàn thành xây lắp khu xử lý và tuyến ống chuyển tải chính để có thể cấp phát nước trước, phục vụ nhu cầu của người dân thị xã. Thời gian tới, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện, mở rộng toàn bộ mạng lưới đường ống và đấu nối dịch vụ.

Thế nhưng khi ra thông báo về việc thay thế đồng hồ cũ cũng như hợp đồng lắp đặt mới đồng hồ đo nước với giá lần lượt là 1,161 triệu đồng và 1,874 triệu đồng, chủ đầu tư lại nhận được sự phản đối gay gắt từ phía người dân. “Mức giá này chúng tôi không đồng tình bởi nó khá cao và thiếu hợp lý. Chúng tôi đề nghị Công ty thẩm định lại các đồng hồ vì những đồng hồ chỉ mới đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn thì có nhất thiết phải thay mới để thu tiền của dân? Trong khi đó, bên Điện lực họ thay đồng hồ điện miễn phí, Công ty nước lại thu tiền mà còn đưa ra thời hạn 15 ngày nếu ai không chấp hành thì sẽ cắt nước. Gia đình tôi đang tính tới phương án mua bồn nước để tích nước mưa mà dùng cho rồi”-ông Nguyễn Thanh Luận (tổ dân phố 13, phường An Phú, thị xã An Khê) bức xúc.

Đồng quan điểm trên, bà Bế Thị Bay (tổ dân phố 1, phường An Bình, thị xã An Khê) chia sẻ: “Tôi thấy mức giá mà Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê đưa ra khá cao so với thu nhập của nhiều hộ dân. Hiện gia đình đã chuyển sang dùng nước giếng nhưng cũng mong phía Công ty kiểm tra lại hệ thống đồng hồ nước, cái nào thật sự cần thiết hãy thay; đồng thời xem xét giảm chi phí hoặc có chế độ hỗ trợ phù hợp cho người dân. Nếu có thể thì cho chúng tôi được trả dần trong một thời gian đến khi đủ thì thôi chứ thanh toán 1 lần thì nhiều người đâu đủ tiền”.

Mong sự đồng thuận từ người dân

Trao đổi với Báo Gia Lai xung quanh vấn đề này, ông Đinh Thái Phiên-Giám đốc Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê, lý giải: Theo chủ trương đã phê duyệt từ đầu, dự án chỉ xã hội hóa việc xây dựng nhà máy và lắp đặt đường ống, còn việc thay lại cũng như lắp mới đồng hồ thì vận động nhân dân đóng góp. Hầu hết đồng hồ đo nước của khách hàng đã được lắp đặt từ năm 2002 đến cuối năm 2012. Khi triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp chất lượng nước của Nhà máy Nước An Khê, chúng tôi cũng đã tiến hành lắp mới và thay thế miễn phí 1.000 đồng hồ đo nước cho khách hàng. Tuy nhiên vẫn còn số lượng lớn đồng hồ đã quá cũ, hư hỏng không thể hoạt động, cần phải thay mới nhằm đảm bảo quyền lợi giữa khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ.

Cuối năm 2016, Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê đã gửi văn bản đến UBND thị xã An Khê để xin ý kiến về việc thay thế các đồng hồ đo nước cũ và hợp đồng lắp đặt mới đồng hồ đo nước của khách hàng, trong đó có đưa ra đầy đủ nội dung về mức giá, bên thanh toán, quy trình lắp đặt, quyền quản lý và sử dụng đồng hồ đo nước… Đầu tháng 1-2017, Công ty cũng đã ký biên bản làm việc với Phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã An Khê về việc thống nhất chi phí lắp đặt, thay thế đồng hồ nước.

Biên bản làm việc giữa Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê và Phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã về việc thống nhất chi phí lắp đặt, thay thế đồng hồ nước. Ảnh: Hồng Thi
Biên bản làm việc giữa Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê và Phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã về việc thống nhất chi phí lắp đặt, thay thế đồng hồ nước. Ảnh: Hồng Thi

“Đơn giá mà chúng tôi đưa ra trên cơ sở dự toán về chế độ, đơn giá vật tư, nhân công và đã bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng và toàn bộ chi phí có liên quan để thực hiện lắp đặt hoàn chỉnh đồng hồ đo nước tại nơi sử dụng. Tính đến nay đã có hơn 800/3.800 hộ dùng nước ở thị xã An Khê đăng ký thay và lắp mới đồng hồ đo nước, cộng với 1.000 hộ được lắp, thay mới miễn phí trước đây nữa thì còn lại khoảng 2.000 hộ chưa đăng ký. Mặc dù Công ty có ra thông báo đến dân nếu không thực hiện đăng ký trong vòng 15 ngày thì sẽ cắt nước song tới thời điểm này, chúng tôi vẫn nỗ lực tuyên truyền để dân tự nguyện chung tay với Công ty chứ chưa hề cắt nước của 1 hộ dân nào”-ông Phiên cho hay.

Giải đáp thêm về thắc mắc của người dân liên quan đến việc Điện lực lắp hoặc thay đồng hồ miễn phí trong khi Công ty lại thu tiền, ông Phiên nhấn mạnh: Tập đoàn EVN là của Nhà nước còn Công ty là tư nhân, do các cổ đông đóng tiền vào nên không thể bỏ kinh phí để chi trả cho việc thay và lắp mới đồng hồ đo nước, bởi như thế sẽ bị thua lỗ. Mặt khác, nếu không thu tiền dân khi thay, lắp đồng hồ mà tính vào giá nước thì mức giá sẽ rơi vào khoảng trên 10.000 đồng/m3, vượt giá khung áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai (7.000 đồng/m3) nên UBND tỉnh chắc chắn sẽ chẳng đồng ý. Vì thế, chúng tôi rất mong các hộ dân hiểu và đồng thuận cùng với Công ty để sớm hoàn thành dự án, đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con.

Trước sự việc trên, UBND thị xã An Khê cũng đã ban hành nhiều công văn giải quyết, nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên. Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: Liên quan đến thay lắp đồng hồ nước, thị xã đã yêu cầu chính quyền các xã, phường phối hợp với Công ty tuyên truyền cho dân hiểu. Trước đây, Nhà máy Nước An Khê là của nhà nước nhưng khi sử dụng nước, người dân vẫn phải đóng tiền lắp đặt đồng hồ nên bây giờ việc nhân dân đóng góp cũng là cần thiết, còn mức giá cao hay thấp thì tùy thuộc vào thị trường. Về phía Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê, thị xã yêu cầu khi thực hiện thay thế đồng hồ nước bị hư hỏng phải được sự đồng thuận của người sử dụng nước, không gây khó khăn hoặc làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Đối với đồng hồ nước nhân dân đã dùng từ trước đến nay nhưng chưa có nhu cầu thay thế nếu Công ty xác định bị hư hỏng buộc phải thay thế thì phải được đơn vị có chức năng kiểm tra, kiểm định kết luận đồng hồ nước bị sai số vượt mức cho phép theo quy định.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.