Chìm nổi hùng kê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do chủ nhân cay cú vì thua, chiến kê bại trận phải chịu sự hắt hủi tồi tệ của chính những người vừa hết lòng nuôi nấng nuông chiều nó.

Đá gà là trò chơi dân gian mang tinh thần thượng võ. Hầu hết các trường gà đều có quy định người chơi không được cá cược dưới mọi hình thức, song thực tế thì chưa hẳn như vậy.

 

Chọi gà. Ảnh: Internet
Chọi gà. Ảnh: Internet

Để có được một con gà chọi đủ tin cho ra trường đấu, chủ nhân bước đầu phải chọn tông, dòng tức nòi mẹ, giống cha đến mùa ấp nở, nết ăn ở của gà con; màu lông tương ứng với sắc chân, sắc mỏ; dáng đi nết ngủ, vảy chân, kiểu ngón… Yếu tố quyết định là khâu chăm sóc, huấn luyện gà. Xuyên suốt quy trình đó đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức, sự tinh tế và cả tinh xảo trong niềm đam mê không ngừng nghỉ. Công phu là thế nên mỗi người chỉ sở hữu dăm con để chơi, không có chuyện nuôi gà chọi hàng hóa, gà chọi thương phẩm.

Đấu sĩ gà đến trường đấu được cho vào giỏ to rộng để các tay chơi “nghía” dung nhan, giò vảy, độ cao to, tháng tuổi… rồi mới cho lên cân, cáp độ. Thống nhất đôi bên, 2 chú gà được “săn sóc viên” đưa vào sân so chân thí mỏ. Ngày trước thời gian cho mỗi hồ gà được đo bằng nhang, giờ thì theo đồng hồ cứ 15 phút là một hồ, cho gà giải lao 5 phút để săn sóc mà theo thuật ngữ người chơi gọi là “cho nước gà”. Nguyên-vật liệu cho nước cũng hoàn toàn do “nhà thầu” cung cấp từ cơm nắm, chỉ may, kim khâu cho đến nước đóng chai, khăn lau… nhằm tránh kẻ xấu cố tình tẩm thuốc độc làm hại “đối phương”. Kỹ năng cho nước cũng có đẳng cấp. Mát tay thì đấu sĩ gà nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Nhiều cặp gà bền sức “so găng” 11, 12 hồ. Sức kiệt đến mức sau thời gian “kéo gà” cả hai chỉ còn biết đứng tựa vào nhau không còn ra đòn ngay cả đòn mỏ thì chủ nhân mới chịu bắt huề. Trận gà nào cũng thế, sau mỗi cú gà ra đòn, người bắt độ reo hò, ra cược, nhận cược náo hoạt tưởng như đám đánh nhau. Chỉ là cái ngoéo ngón tay hoặc một mảnh giấy con do “thư ký trường gà” đưa cho mỗi người, thế mà khi kết thúc được phân chia rạch ròi. Một tay chuyên theo độ gà cho biết, nếu người nào “xù độ” là đồng nghĩa với giã nghề cả đời chứ đừng nói chuyện tìm chơi nơi khác. Thế mới biết, luật chơi tưởng lỏng mà lại rất nghiêm.

Những năm gần đây, trong không khí thưởng Tết, vui Xuân, các trường gà từ nội thành Pleiku đến ngoại viên hoạt động sôi nổi thu hút đông đảo người có thú vui chơi gà chọi từ các huyện nhà lẫn tỉnh bạn như: Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Đak Lak… cùng phần lớn người xem là những tay cược. Kết cục, kẻ thắng cược reo hò hớn hở, người thua cược tiu nghỉu. Có người bỏ qua sĩ diện, miệng không quên lời xin cho chút đỉnh tiền thóc nước nuôi gà.

Khi xung trận chiến đấu gan lì là vậy nhưng khi đã thua độ (không phải chịu thua vớt) thì dù được chăm sóc tử tế, chiến kê cũng không thể ra trường lần nữa vì hễ nhớ đến đòn đau, đòn hiểm là bỏ chạy. Với ưu thế thịt săn chắc, giàu dinh dưỡng bởi được luyện tập chăm sóc kỹ; nặng cân quy định bởi giống nên các tay đầu bếp đã nghĩ đến đặc sản gà chọi với nguyên liệu là những hùng kê bại trận được thu mua với giá rẻ mạt. Thế mới biết: đời hùng kê lên voi, xuống… thớt!

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.