Đã có kết quả xác minh của Công an

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2008, ông Phạm Văn Đông (xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai giải quyết được hưởng chế độ chất độc hóa học do sinh con là chị Phạm Thị Thanh Huyền bị dị dạng, dị tật. Tuy nhiên, đến nay kết quả xác minh của Công an tỉnh Gia Lai cho thấy ông này đã khai man để được hưởng tiền trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, vì thực tế chị Huyền không phải là con ruột của ông mà là con riêng của vợ ông với một người đàn ông khác trước khi gá nghĩa với ông.

Ông Thái Xuân Lộc-Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Nhận được đơn tố cáo chị Phạm Thị Thanh Huyền không phải là con đẻ của ông Phạm Văn Đông nhưng được hưởng chế độ chất độc hóa học, Sở phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc này. Ngày 26-11-2013, Công an tỉnh Gia Lai có Công văn số 431/PA38 trả lời kết quả xác minh vụ việc, qua đó khẳng định chị Phạm Thị Thanh Huyền là con của ông Vũ Mạnh Hùng-sinh năm 1965, quê quán ở xã Quỳnh Bảo, huyện Huỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, trước đây công tác tại nhà hát chèo tỉnh Thái Bình-với bà Phạm Thị Bích Dần (vợ hiện tại của ông Đông-P.V).
 

Ông Phạm Văn Đông. Ảnh: M.T
Ông Phạm Văn Đông. Ảnh: M.T

Theo đó, từ năm 1984 đến 1985, bà Phạm Thị Bích Dần có quan hệ tình cảm với ông Vũ Mạnh Hùng sinh được một người con gái ngoài giá thú tên là Phạm Thị Thanh Huyền. Năm 1994, bà Dần gửi con cho một người ở phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình nuôi hộ để cùng ông Đông vào Gia Lai sinh sống. Năm 2001, bà Dần về lại Thái Bình đưa con gái riêng của mình là chị Huyền cùng vào Gia Lai. Trước đó, ông Phạm Văn Đông cũng đã từng kết hôn với bà Nguyễn Thị Minh sinh được 2 người con trai là Phạm Văn Việt (đã mất năm 2012) và Phạm Văn Dương (hiện đang sinh sống tại tỉnh Thái Bình). Ông Đông ly hôn với bà Minh trước khi cùng bà Dần chuyển vào sinh sống ở Gia Lai năm 1994. Như vậy mọi việc đến đây đã được sáng tỏ: Chị Phạm Thị Thanh Huyền là con riêng của bà Dần với ông Hùng chứ không phải là con đẻ của ông Đông với bà Dần như hồ sơ mà ông này làm để được hưởng tiền theo chế độ.

Lật lại hồ sơ vụ việc, trong quá trình kiểm tra việc cấp phát các chế độ chính sách, Tổ Giám sát HĐND xã Ia Ake phát hiện trường hợp chị Phạm Thị Thanh Huyền sinh năm 1985 nhưng đến năm 2007-nghĩa là sau 22 năm-bà Huyền mới làm giấy khai sinh và từ tháng 9-2008 bắt đầu hưởng chế độ trợ cấp đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Từ những vấn đề không rõ ràng về lai lịch, danh tính và thủ tục làm chế độ nên Tổ Giám sát cho rằng, chị Huyền không phải con đẻ của ông Đông và cũng không phải là đối tượng được hưởng chế độ chất độc da cam, nhưng vì được sự tiếp tay của một số người có quyền chức nên đã “biến không thành có” để lấy tiền Nhà nước.

Khi đó, ông Vũ Văn Mười-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ake-khẳng định: Thông tin trên giấy khai sinh là hoàn toàn chính xác, chỉ sai sót ở chỗ cán bộ hộ tịch-tư pháp lúc bấy giờ quên không ghi vào sổ lưu, còn nếu như muốn xác định con đẻ hay con nuôi thì cơ quan chức năng phải xét nghiệm ADN mới biết được. Ông này còn cho biết là hồ sơ làm đúng quy trình, có cán bộ y tế kiểm tra thực trạng, có Hội đồng xét duyệt và cho rằng nguyên nhân sâu xa của vụ kiện chỉ mang tính cá nhân (Báo Gia Lai đã có bài phản ánh).

Tiếp theo đó, căn cứ kết quả làm việc của Thanh tra huyện, ngày 15-5-2013, UBND huyện Phú Thiện có công văn số 530/UBND-NC “trả lời đơn kiến nghị của công dân xã Ia Ke” khẳng định: Chị Phạm Thị Thanh Huyền là con đẻ của ông Phạm Văn Đông và bà Phạm Thị Bích Dần, đồng thời yêu cầu UBND xã Ia Ake đăng ký lại (bản chính giấy khai sinh) cho công dân Phạm Thị Thanh Huyền theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Trao đổi với P.V, Chánh thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Để có cơ sở xử lý đối tượng đã khai man hồ sơ hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước và ra quyết định cắt trợ cấp,  thu hồi số tiền mà ông Phạm Văn Đông và chị Phạm Thị Thanh Huyền đã hưởng sai quy định, ngày 6-12-2013, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1233/SLĐTBXH-TTr đề nghị thu hồi giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Ông Lộc còn cho biết, UBND huyện Phú Thiện đã ra quyết định thu hồi Giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học số 12/XN-UBND ngày 20-5-2008 của UBND huyện Phú Thiện cấp cho ông Phạm Văn Đông. Trên cơ sở này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ ra quyết định cắt trợ cấp và thu hồi số tiền đối tượng đã hưởng sai để nộp ngân sách nhà nước.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.