Ayun Pa: Ô nhiễm môi trường vì vịt chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên kênh chính phía Nam thủy lợi Ayun Hạ, chạy dọc qua 2 xã Chư Băh và Ia Rbol, thị xã Ayun Pa liên tục xuất hiện các bao vịt chết trôi về. Trung bình mỗi ngày có vài bao, có hôm lên đến hơn 10 bao vịt chết theo dòng nước trên kênh thủy lợi Ayun Hạ trôi về địa bàn 2 xã.
 

Các bao vịt chết trôi dạt dồn về phía suối Ia Rbol. Ảnh: Hồng Sơn
Các bao vịt chết trôi dạt dồn về phía suối Ia Rbol. Ảnh: Hồng Sơn

Đã một tháng qua, trên kênh chính phía Nam thủy lợi Ayun Hạ, chạy dọc qua 2 xã Chư Băh và Ia Rbol, thị xã Ayun Pa liên tục xuất hiện các bao vịt chết trôi về. Trung bình mỗi ngày có vài bao, có hôm lên đến hơn 10 bao vịt chết (bao loại 50 kg) theo dòng nước trên kênh thủy lợi Ayun Hạ trôi về địa bàn 2 xã. Ngày nào cũng có bao vịt chết theo kênh thủy lợi trôi về địa bàn thị xã, nhiều bao bị mắc kẹt tại các vị trí chắn rác trên kênh thủy lợi, một số bao dạt về suối Ia Rbol, xác vịt thối rữa, hóa dòi, bốc mùi hôi rất nặng.

Chị Ksor H’Soan, buôn Rưng Ma Đoan, xã Ia Rbol than thở: “Gia đình mình sống cạnh mương thủy lợi, trong tháng qua vịt chết trôi về đây, phải vài chục bao. Gia đình mình không dám mở cửa, tất cả cửa đều đóng kín, phủ thêm lớp bạt bên ngoài mà vẫn thối, nhất là đến bữa cơm, mùi thối bay vào không thể nuốt nổi bát cơm”. Cũng cùng cảnh ngộ, anh Nay Khép, buôn Hiao, xã Chư Băh tâm sự: “Nhà mình tuy ở xa mương chính, nhưng mùi thối từ vịt chết vẫn rất nặng mùi, thời gian qua các hộ dân sống cạnh mương thủy lợi đều khổ sở vì mùi thối…”.
 

Theo như Trạm Y tế xã Chư Băh, trong tháng 9 vừa qua trên địa bàn xã có 32 ca nhiễm bệnh đường hô hấp bao gồm các bệnh như: viêm họng, viêm phế quản… Có 2 ca bị rối loạn đường tiêu hóa.

Chính quyền xã Chư Băh đã cử người xử lý, vớt bao vịt đem chôn, tuy vậy số lượng vịt chết hiện đang trôi dạt trên kênh thủy lợi còn rất nhiều, hiện chưa được xử lý và đang gây tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây. 2 nhân viên Trạm Thủy nông Ayun Pa là anh Võ Văn Ân và anh Trần Văn Định bức xúc: “Vịt chết trôi rất nhiều trên kênh thủy lợi, chúng tôi đã thông báo tất cả các cơ quan chức năng như UBND xã, Thú y xã Chư Băh, Trạm Thú y thị xã nhưng vẫn không thấy ai đến xử lý số vịt chết hiện đang trôi dạt trên kênh thủy lợi. Chúng tôi buộc phải tự xắn tay xử lý, trong quá trình tự xử lý gặp khó khăn vì không có thuốc khử trùng, không có bãi tập kết để chôn vịt chết nên mới đây chúng tôi dồn mấy chục bao vịt rồi chất rơm đốt để giảm bớt mùi hôi thối. Tuy nhiên tình hình không được cải thiện cho mấy bởi vịt thấm nước nên không thể đốt hết được và hiện tại tình trạng hôi thối vẫn rất trầm trọng”.

Về phía UBND xã Chư Băh, cho biết đã báo cáo với UBND thị xã, để phối hợp với chính quyền huyện Phú Thiện (theo như đánh giá của người dân số vịt chết trôi về địa bàn xã xuất phát từ Phú Thiện) cùng nhau xử lý ngăn chặn tình trạng người dân thả vịt chết bừa bãi ra môi trường. Đồng thời xã sẽ cử cán bộ Thú y, phối hợp với thanh niên thôn, làng trục vớt, xử lý vịt chết nhằm tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và tránh tình trạng dịch bệnh phát tán ra môi trường.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-Hồ Văn Diện cho biết: “Ngoài việc sẽ chỉ đạo các xã, Trạm Thú y xử lý số vịt chết trôi về địa bàn thị xã, chúng tôi sẽ tiến hành làm công văn đề xuất với Chi cục Thú y tỉnh có biện pháp chỉ đạo huyện Phú Thiện triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, tránh tình trạng vịt chết trôi về địa bàn thị xã như thời gian qua”.

Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.