Gia Lai: Nhà thầu thi công mỏi mòn chờ thanh toán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, một số công trình xây dựng cơ bản tại thị trấn Phú Thiện (Phú Thiện), thị xã Ayun Pa được Công ty TNHH Hoàng Quốc Việt huyện Ia Pa hoàn thành thi công, nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng như: Chợ Phú Thiện (cả 3 giai đoạn được khởi công từ lúc chưa chia tách huyện Ayun Pa thành thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện như hiện nay) vốn đầu tư hơn 3,67 tỷ đồng; vỉa hè đường Trần Hưng Đạo-Nguyễn Huệ vốn thi công gần 1,14 tỷ đồng bàn giao giữa năm 2007; mở rộng sân bê tông, nhà để xe Trường THCS Nguyễn Huệ vốn đầu tư hơn 290 triệu đồng; xây dựng chợ Bình Lợi, phường Cheo Reo thị xã Ayun Pa hơn 900 triệu đồng… đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế- xã hội từ nhiều năm qua nhưng hiện nay, nhà thầu thi công là Công ty TNHH Hoàng Quốc Việt, huyện Ia Pa vẫn mỏi mòn… chờ thanh toán (!).

Ông Trần Văn Giáo- Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Quốc Việt, doanh nghiệp thi công các công trình xây dựng cơ bản còn nợ đọng trên, bức xúc: “Doanh nghiệp phải vay hàng tỉ đồng của ngân hàng tham gia đấu thầu, thi công nhiều công trình tại thị xã Ayun Pa. Nhưng sau khi hoàn thành nghiệm thu, bàn giao cho chủ đầu tư ở đây là UBND thị xã Ayun Pa đưa vào sử dụng, phục vụ lợi ích chung, nhưng chủ đầu tư chậm thanh toán suốt thời gian qua, nguồn vốn còn nợ đọng của chủ đầu tư là UBND thị xã Ayun Pa lên đến khoảng 6 tỷ đồng.

Chợ Bình Lợi, phường Cheo Reo đã đưa vào sử dụng. Ảnh: Thanh Luận
Chợ Bình Lợi, phường Cheo Reo đã đưa vào sử dụng. Ảnh: Thanh Luận

Vì vậy, doanh nghiệp chúng tôi phải đối mặt với các khoản nợ khi đầu tư vào công trình như lãi ngân hàng, lương công nhân, chi phí vật liệu, vận chuyển… mà không biết đến khi nào mới được thanh toán?”.

Ngoài những công trình nhà thầu tham gia đấu thầu, thi công đúng theo hồ sơ thiết kế đã được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa thanh toán, Công ty TNHH Hoàng Quốc Việt còn nhận nhiều thiệt thòi khi đáp ứng yêu cầu khi xây dựng công trình. Việc mở rộng sân bê tông, nhà để xe của Trường THCS Nguyễn Huệ, thị xã Ayun Pa là một ví dụ điển hình.

Năm 2002, ông Trần Văn Giáo lúc đó trên cương vị Đội trưởng đội thi công, Công ty cổ phần Vật liệu & Xây dựng Gia Lai trúng thầu thi công công trình Trường THCS Nguyễn Huệ được xây dựng tại thị trấn Ayun Pa (cũ), nay là thị xã Ayun Pa.

Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Thanh Luận
Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Thanh Luận

Mặc dù hồ sơ thiết kế Trường THCS đã được phê duyệt, Công ty cổ phần Vật liệu & Xây dựng Gia Lai triển khai thi công theo đúng bản thiết kế được duyệt. Nhưng trong điều kiện lúc đó, với sĩ số học sinh hơn 1.000 em, Trường THCS Nguyễn Huệ đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, Ban Giám hiệu nhà trường, Hội cha mẹ học sinh xin kinh phí chính quyền địa phương yêu cầu đơn vị thi công mở rộng diện tích sân bê tông, nhà để xe nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của học sinh, giáo viên của trường. Thiết nghĩ, đây là việc làm đúng và trong khả năng, đại diện đơn vị thi công, ông Trần Văn Giáo huy động vốn, công nhân, tăng cường vật liệu xây dựng đáp ứng đề nghị của BGH nhà trường. Thế nhưng, sự việc này đến nay công trình đưa vào sử dụng mà vẫn chưa được thanh toán.

Nhiều lần đơn vị thi công đã có đơn khiếu nại nhưng sự việc đâu vẫn vào đấy. Được biết, nhiều lần làm việc với UBND thị xã Ayun Pa, các cơ quan chức năng, ông Trần Văn Giáo vẫn chưa được thanh toán khi ông Đặng Quang Cường, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa chưa ký duyệt thanh toán bất chấp Tờ trình số 241/TTr-UBND của UBND thị xã Ayun Pa trình HĐND thị xã phê duyệt kế hoạch phân bổ hơn 62,674 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010.

Điều kỳ lạ là trong nguồn vốn mà UBND thị xã Ayun Pa trình HĐND cùng cấp phê duyệt lần này tất nhiên có khoản mà UBND thị xã Ayun Pa lập kế hoạch bố trí trả nợ các công trình còn nợ đọng từ nhiều năm trước như chợ Phú Thiện; vỉa hè đường Trần Hưng Đạo-Nguyễn Huệ; mở rộng sân bê tông, nhà để xe Trường THCS Nguyễn Huệ… Vậy mà, cho đến hiện nay, đơn vị thi công vẫn “bấm bụng” làm “chủ nợ bất đất dĩ” của chủ đầu tư- UBND thị xã Ayun Pa và đợi ngày thanh toán trước những khó khăn về tài chính, vốn đầu tư, nhân công, lãi suất ngân hàng… khiến nhà thầu thi công lúc nào cũng ngoắc ngoải… chờ đợi…

Thanh Luận
 

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.