Trung thu không được khóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Nhanh quá. Gã phủi áo ra đi vào mùa trăng khi con trai đang học lớp nhỡ. Năm nay Ri đã lớp 2, mỗi năm đôi lần, chỉ những dịp hiếu hỉ gã mới ghé về thăm con. Tội, gã ít về nhưng thằng nhỏ luôn miệng nhắc ba. Tôi cũng không nỡ gieo vào đầu con những ý nghĩ bi quan tàn nhẫn, cứ để con nghĩ tốt về ba, coi như gã-người cha trăng hoa và cả tôi-người mẹ khốn khổ đều có phước.

Đang ngồi dán mắt vào quảng cáo trên ti vi, bỗng Ri quay lại hỏi: “Tết Đoàn Viên là gì hả mẹ?”. Tôi trả lời, là tên gọi khác của Tết Trung thu. Ri dường như chưa thỏa mãn với câu trả lời kiểu huề vốn, cong môi định hỏi vặn nhưng thấy mẹ buồn xo nên chuyển đề tài. Chắc là được di truyền sự nhạy cảm của mẹ, còn nhỏ nhưng luôn tỏ ra ý tứ. Tôi không muốn con giống mình. Nhạy cảm quá thì dễ tổn thương, dễ làm mình chảy máu. Như tôi bây giờ, dù biết cuộc hôn nhân đã qua là sai lầm, nó chỉ có thể được diễn tả bằng một câu: “Đến với nhau thì hạnh phúc, chia tay lại hạnh phúc hơn”, vậy mà vẫn đau khi nghe từ “đoàn viên”. Nó làm vết thương trong tôi nhức nhối. Tôi bật khóc.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

2. Đời người ta đâu chỉ buồn một lần.

Tôi có cái nốt ruồi tròn vo đậu giữa trán. Hắn hay cốc vào cái nốt ruồi đó, bảo “búp bê ba mắt”. Ngày tôi phải nhìn đời bằng một con mắt, điều đầu tiên làm tôi đau là nhớ tới cái hỗn danh “búp bê ba mắt” mà hắn thường gọi, rồi tủi thân khóc nấc.

Có phải nỗi đau lớn nhất của kiếp nhân sinh là không thể lường trước những việc sắp xảy ra? Chỉ vì một chút hiểu lầm thơ ngây mà tôi cự tuyệt hắn-mối tình đầu vừa chớm. Ôm hồ sơ lên núi xin việc, yêu, lấy chồng, tôi để mọi thứ diễn ra cuống cuồng như một trận mưa đá. Nghĩ lại thấy hồi đó mình hồ đồ quá. Cái giá phải trả cho sự nông nổi không hề nhỏ.

Chồng tôi phong lưu. Lúc mới yêu nhau đã dõng dạc tuyên bố “anh là người đàn ông không bến dừng bến đậu” nhưng tôi không màng.Tôi yêu chí chết và nghĩ mình đủ sức để làm nữ hoàng trái tim anh-một con ngựa bất kham. Vẫn là tôi không biết trời cao đất dày. Anh thích chinh phục đàn bà, đến nỗi hay khoe mẽ với tôi rằng đã nắm thóp được các cô gái dù anh đã có gia đình.

Tôi bị bệnh. Thị lực cứ yếu dần, con mắt trái bị nhược thị nặng. Đúng là họa vô đơn chí, khi phải nhìn đời bằng một con mắt thì chồng đưa tờ đơn ly hôn. Tôi đau như con ngựa trúng đao.

Một thời gian dài, ngôi nhà nhỏ có nhiều hoa cứ im ỉm đóng cửa. Cô giáo tới nhà thông tin con trai đi học có vẻ lơ đễnh, không lanh lợi vui đùa như mọi bận, cô cảnh báo coi chừng bé bị sốc, trầm cảm. Những lời của cô y như ca nước sôi tạt mạnh vào mặt, tôi đau quá mà tỉnh người.

3.  Bị bệnh, tôi cực sợ ban đêm. Cơ khổ! Ba mươi tuổi, tôi đường ngay ngõ thẳng không đi mà cứ đâm đầu vô gai, đau nhăn mặt mới nhớ không được phép đi nhanh.

Đêm nay nghe dân tình kháo nhau có đoàn lân to lắm ở dưới tỉnh về xóm núi múa. Nghe bảo ông chủ đoàn lân cũng là chủ của một lò võ có tiếng. Vì hồi nhỏ thiệt thòi nên giờ ổng muốn làm phúc cho trẻ em nghèo. Hóa ra, đời cũng còn có đàn ông tốt!-Tôi trả lời vậy khi chị hàng xóm háo hức rủ tối đem con đi coi lân.

Thiệt là thảm hại cái bộ dạng tôi tay dắt con, tay cầm đèn pin, quờ quạng, bước từng bước một đi tìm lân. Đội lân lớn đã lôi hết trẻ em trong xã theo chân. Ồn ào, náo nhiệt, ông bố bà mẹ nào cũng lấn lướt, đội con lên đầu để trẻ coi múa lân no mắt. Giờ mới thấy, cuộc sống không thể thiếu đàn ông. Tôi không đủ sức để chen lấn, càng không thể bỏ thằng nhỏ lên đầu. Cu Ri đứng bên mẹ, không được xem lân nên cứ nhìn mấy nhỏ bạn đang ngồi chễm chệ trên đầu trên cổ những ông bố vĩ đại. Thấy con thèm thuồng, trong tôi chỉ có một ý niệm, giá còn gã, giá có bờ vai...

- Nhóc, leo lên đây coi nè!

Có tiếng nói ồm ồm như sấm, vừa nói vừa bế thốc cu Ri bỏ lên chiếc xe của đoàn lân. Không nhìn được rõ mặt nhưng thấy bộ dạng hết sức tự nhiên thì tôi hiểu đây là ông chủ của đoàn lân. Cu Ri ngồi trên xe, rất vui vẻ xem lân. Tôi đứng nhìn con, thấy thằng nhỏ vui nên cũng vui lây.

Không được rồi, người càng lúc càng đông, ai cũng chen nhau đứng, đoàn lân lớn lại chỉ về có một đêm nên đông người xem quá. Cu Ri loay hoay bám vào thành xe, đứng dậy, nhón gót lên, vẫn không thấy, cuối cùng ngồi xuống, chắc là mỏi nhừ (hay tủi thân), cu cậu ngồi bệt xuống sàn xe khóc hu hu.

Tôi thấy con như vậy thì nhào tới, vừa lúc đó một tốp người ùa vào, chặn hết lối đi. Khó quá, tôi phải lấy hết sức để lấn tới. Rồi cũng đến được chỗ chiếc xe của đoàn lân.

Ủa! Cu Ri đâu rồi? Chẳng lẽ đã bị lạc vào đoàn người? Từ nhỏ đến giờ Ri được mẹ cưng chiều, đi học thì có người đưa đón, xóm này là vùng kinh tế mới, thằng nhỏ không có họ hàng, không quen đường sá, cứ theo đoàn lân thì biết đường nào mà về, rồi xe cộ đông đúc, rồi lỡ có người bắt cóc… Hàng loạt những giả định hiện ra trong đầu. Ri ơi, con ơi…! Tôi vừa chen lấn vào đám đông, vừa kêu vừa khóc.

Tôi chẳng biết mình đang đi đâu, chỉ bước theo tiếng trống lân. Vừa đi vừa quẹt nước mắt.

Lân đã rã thì người xem cũng lũ lượt về. Người ta về hết rồi, chỉ còn đoàn lân đang thu dọn đồ đạc lên xe, Ri của mẹ đâu rồi. Lạc mất con rồi, mới nghĩ thôi thì tôi đã hoàn toàn suy sụp, tôi ngồi sụp xuống rìa đường, hu hu khóc.
- Mẹ, mẹ ơi, con nè, Ri của mẹ nè!
Nghe tiếng con gọi, tôi ngước lên thì thấy Ri phi từ cổ ông chủ đoàn lân xuống đất, chạy thẳng lại, ôm chầm lấy mẹ.
- Có chú kia dẫn nên con mới dám đi.
Tôi lại tận chỗ, cảm ơn người lạ đó rồi đưa con về. Sao cái dáng ấy thấy quen quen, quen lắm, hình như người này đã từng xuất hiện đâu đó trong ký ức của mình. Nhăn mặt nghĩ, cố nhớ, vẫn không thể. Thôi, không nghĩ nữa, ai kệ họ.
- Chú ấy bảo là bạn học cũ của mẹ đấy.
- Bạn học? Mẹ không quen chú ấy.
- Nhưng mẹ đã kịp nhìn chú ấy đâu?
- Ờ…
- Mẹ, chú ấy bảo tối mai đội lân sẽ vào nhà mình múa đấy, mẹ cho không ?
- Sao bảo lân chỉ về một đêm?
- Chú ấy nói, tối mai muốn tặng ai đó món quà Trung thu đặc biệt nên lại về nữa… Cho không mẹ ?
- Thế cái vườn hoa trước sân của mẹ thì sao? Chắc tan tành quá.
Tôi giả bộ khóc hu hu, hy vọng con trai sẽ chiếu cố cái đam mê hoa lá của mẹ mà đừng đem lân về nhà!
- Thôi, mẹ đừng khóc, chú ấy bảo, Trung thu không được khóc!
“Trung thu không được khóc!”. Ngày xưa, có người đã nói với tôi như thế khi tôi bị bệnh đúng dịp Trung thu, không thể đi xem lân. Anh, mối tình đầu của tôi bây giờ thế nào rồi? Có mãi đứng sau lưng như đã từng hứa? Trong đêm tối nhưng tôi thấy mặt mình nóng ran.
Con trai thấy mẹ im lặng thì “dỗ”:
- Lân không tới nhà cũng được, mẹ không được khóc.
- Không! Mẹ rất vui vì tối mai đoàn lân sẽ tới nhà…

Tiểu Kha

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…