Thành phố qua ô cửa sổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tận dụng những thùng carton đựng hàng, họa sĩ Nguyễn Việt Cường (TP Hồ Chí Minh) đã tái hiện nhịp sống thành phố thời giãn cách vì dịch bệnh bằng ngôn ngữ hội họa với góc nhìn từ ô cửa sổ chung cư.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Việt Cường (Ảnh: Tác giả cung cấp).
Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Việt Cường (Ảnh: Tác giả cung cấp).


Các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, người giao hàng, các lực lượng tình nguyện, người dân nhận đồ cứu trợ, khẩu trang, bình oxy, vaccine và nghệ sĩ biểu diễn tại bệnh viện dã chiến... là những đề tài được khai thác trong dự án “Sài Gòn Hộp” do họa sĩ Nguyễn Việt Cường (sinh năm 1989, sống tại TP Hồ Chí Minh) thực hiện ngay khi thành phố bắt đầu giãn cách. Qua thông tin trên phương tiện truyền thông và hằng ngày quan sát từ ô cửa sổ chung cư nơi anh sống, bằng mầu acrylic và bút sắt, anh đã phản ánh nhịp sống thành phố yêu thương ở một thời kỳ đặc biệt lên những tấm bìa carton.

 

 Họa sĩ Nguyễn Việt Cường (Ảnh: Tác giả cung cấp).
Họa sĩ Nguyễn Việt Cường (Ảnh: Tác giả cung cấp).


Chia sẻ về dự án, Việt Cường cho biết: “Khi thành phố giãn cách vì dịch bệnh, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà. Mọi sự tiếp xúc với bên ngoài bị hạn chế. Tôi có cảm giác mình đang sống trong một chiếc hộp thật sự và tôi nghĩ những người chung quanh cũng chung hoàn cảnh như vậy, nên tôi đặt tên dự án là “Sài Gòn Hộp”.

Trước đây, Việt Cường thường dùng bìa carton để vẽ phác thảo, nhưng trong đợt giãn cách này, khi cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa vận chuyển, qua những đơn hàng online, trong nhà có rất nhiều thùng mì ăn liền, thùng đựng bia, thùng đựng đồ chơi... với các kích thước và ký hiệu khác nhau, anh lựa chọn bìa carton làm chất liệu chính để thể hiện đề tài. Xử lý, sắp xếp, tận dụng mầu sắc và họa tiết, tem nhãn, ký hiệu, logo thương hiệu, mã vạch in trên thùng giấy, giữ lại những lớp băng keo dán chằng chịt, Việt Cường đã tăng hiệu ứng thị giác và nhấn mạnh thông điệp cho mỗi tác phẩm, truyền tải góc nhìn cuộc sống theo cách riêng.

Mỗi tác phẩm trong “Sài Gòn Hộp” là một câu chuyện cuộc sống, ghi lại hoạt động hằng ngày khi thành phố giãn cách để chống dịch cũng như khắc họa rõ nét nội tâm con người.

Tác phẩm đầu tiên anh vẽ là Cửa sổ, bởi lúc này, cửa sổ là không gian duy nhất anh có thể quan sát diễn biến bên ngoài cũng như cảm nhận không khí của thành phố. Lựa chọn thể hiện khung cửa sổ đen trắng trên nền vàng của thùng giấy carton, cũng là gam mầu chủ đạo của các tác phẩm trong dự án, Việt Cường muốn giúp người xem cân bằng thị giác, cũng như dùng mầu sắc để cân bằng cuộc sống khi mọi sự rối ren. Ở tác phẩm Let’t Go, sử dụng hộp bìa carton 25 cm x 25 cm của hãng đồ chơi Lego, họa sĩ có những sáng tác nhằm tôn vinh các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, đồng thời chuyển tải thông điệp về tinh thần chiến đấu chống dịch qua hình ảnh các chiến sĩ ở tuyến đầu.

Với tác phẩm Sự thật, kích thước 30 cm x 30 cm, Cường vẽ một trong rất nhiều F0 đang phải tự điều trị ở nhà với khẩu trang và bình oxy. Tác phẩm Lực lượng tình nguyện, kích thước 20 cm x 30 cm thể hiện các bạn tình nguyện viên trong bộ đồ bảo hộ đang được xịt khuẩn để lên đường hỗ trợ chống dịch ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Sử dụng thùng hàng có dòng chữ “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, anh đã để tranh vẽ và dòng chữ đan dệt vào nhau tạo nên bức tranh về tình hình dịch bệnh ở địa phương cũng như thông điệp cảm ơn tinh thần tình nguyện.

Đối với những họa sĩ như Việt Cường, dịch bệnh tác động rất lớn đến tư duy sáng tác, nhưng cũng là “cơ hội” để có thêm thời gian tập trung cho các tác phẩm và nhìn nhận mọi việc sâu sắc hơn. Chứng kiến những câu chuyện đau thương xảy ra chung quanh, trong đó có những mất mát của bạn bè và người thân, trăn trở với những băn khoăn, lo lắng về cuộc sống, đó là động lực giúp nghệ sĩ sáng tạo và khám phá khả năng sáng tạo của bản thân. Trong dòng chảy cuộc sống, bằng các phương tiện khác nhau, họa sĩ đang là những nhân chứng ghi chép diễn biến lịch sử một cách chân thực nhất, giàu cảm xúc.

Dù tái hiện hiện thực, song các bức vẽ của anh vẫn đang truyền cảm hứng cho người xem về ngày mai tươi sáng hơn. Đến nay, dự án “Sài Gòn Hộp” đã có 20 bức tranh với các kích thước khác nhau. Việt Cường vẫn đang tiếp tục quan sát và sáng tác những tác phẩm mới phù hợp diễn biến của dịch bệnh và xã hội. Khi TP Hồ Chí Minh trở lại bình thường, các tác phẩm sẽ được triển lãm trực tiếp.

Theo NGỌC LIÊN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.