Dự kiến trình Bộ Chính trị đề án Phát triển kinh tế đô thị vào tháng 7.2021

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sáng nay (17.6), tại Hà Nội, đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Đô thị hoá, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã chủ trì Hội nghị với Thường trực Tổ Biên tập Đề án, nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án để Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành lần đầu tiên Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Đồng chí Trần Tuấn Anh- Trưởng ban Kinh tế trung ương chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thành Trung
Đồng chí Trần Tuấn Anh- Trưởng ban Kinh tế trung ương chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thành Trung
Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%.
Để thực hiện được mục tiêu và triển khai các chủ trương về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao cho Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương thực hiện Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương được phân công là Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án theo Quyết định số 03-QĐ/TW ngày 05.4.2021 của Ban Bí thư.
Trên cơ sở những tài liệu, số liệu và báo cáo chuyên đề, Tổ Biên tập Đề án đã hoàn thiện xây dựng Dự thảo lần 2 Đề án, Tờ trình và Nghị quyết và đã gửi tới các thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các bộ, ngành và các chuyên gia để xin ý kiến đóng góp ngày 10.6.2021.
Qua nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đô thị hoá cả nước xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng nhanh từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không gian đô thị được mở rộng.
Đã hình thành một số cực tăng trưởng chủ đạo tại các đô thị lớn, nhất là tại hai đô thị loại đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại, hạ tầng xã hội đô thị được đa dạng hoá, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao. Kinh tế đô thị tăng trưởng ở mức cao.
Tuy nhiên, đô thị hoá, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và bình quân của thế giới. Quá trình đô thị hóa phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế. Quá trình đô thị hóa chưa đồng bộ và gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, tính liên kết còn yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng và diễn biến nghiêm trọng.
Phát triển kinh tế đô thị còn phân tán, thiếu kết nối, tính kinh tế nhờ tích tụ yếu, hiệu quả còn thấp. Quản lý đô thị còn nhiều bất cập, năng lực, trình độ quản lý đô thị tại địa phương còn thấp, chậm đổi mới. Thị trường bất động sản chưa được kiểm soát có hiệu quả, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý; phát triển nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.
 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Trung
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Trung
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, Đề án cần tập trung làm rõ yêu cầu đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị, đề xuất được các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý, xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.
Về phát triển đô thị, cần có các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển; Tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các thành viên Tổ Biên tập cần tiếp tục hoàn thiện Đề án, chủ động tiếp thu ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ, dự kiến trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 7 năm 2021; trên cơ sở đó sẽ đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Một số chủ trương, chính sách về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
PHẠM DUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Phường Diên Hồng đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Diên Hồng đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Với nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, phường Diên Hồng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã giúp người dân tiếp cận những thông tin hữu ích, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo nói riêng, các lĩnh vực đời sống xã hội nói chung.