(GLO)- Ngày nay, ăn uống không hoàn toàn để qua cơn đói. Tuy nhiên, những cuốn sách như: “Minh triết trong ăn uống phương Đông” của lương y Ngô Đức Vượng, “Ăn ít để khỏe” của bác sĩ người Nhật Yoshinori Nagumo, “Nhân tố enzyme” của bác sĩ nội soi dạ dày nổi tiếng thế giới Hiromi Shinya, “Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện” của TS. T.Colin Campbell… đều có chung một quan điểm là ăn ít sẽ khỏe. Bạn đọc có thể tìm thấy vô vàn kiến thức hữu ích về khoa học ăn uống từ những cuốn sách trên, được đúc rút bởi những bác sĩ, lương y làm nghề lâu năm.
Ảnh internet |
Tuy nhiên, điều khiến tôi thấy thiết thực nhất đó là các tác giả đều cho rằng con người đang ăn quá nhiều so với nhu cầu cần thiết của cơ thể, là một trong những khởi nguồn của bệnh tật. Cùng với đó, những quan niệm sai lầm trong ăn uống khiến con người khó có được cơ thể khỏe mạnh dù ăn nhiều chất bổ béo.
Cuốn sách “Ăn ít để khỏe” khiến tôi không khỏi bối rối trước lời khuyên đi ngược lại với những kiến thức, quan niệm ăn uống thông thường. Theo bác sĩ Yoshinori Nagumo, hãy để cho cơ thể được ở trong trạng thái “đói bụng” để cảm nhận tác động kỳ diệu mang lại cho sức khỏe. Trong cuốn sách gần 200 trang, ông tập trung làm rõ vấn đề này dưới lăng kính khoa học và từ chính kinh nghiệm của bản thân: vì sao khi cơ thể được đói, vì sao ăn ít lại tốt cho sức khỏe? Ông cũng đưa ra phương pháp “mỗi ngày một bữa” và nhấn mạnh “1 bữa là đủ sao cần phải 3”. Ông cho rằng “ăn quá nhiều là khởi nguồn của bệnh tật” và khuyên mọi người hãy biến phương pháp này thành thói quen hàng ngày.
Có thể với đa số, lời khuyên trên chưa thật thuyết phục. Bản thân tôi cũng thấy khó khăn khi thực hiện theo lời khuyên. Nhưng tôi đã kiên trì thực hiện và thấy rõ tác dụng của việc ăn ít và ăn chậm. Người xưa có câu “thanh đạm để trí sáng”, nhưng trong thời đại mà mỗi gia đình, mỗi người đều có nguy cơ đối mặt với “tứ đại kỳ bệnh” gồm: ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ thì ăn ít, ăn thanh đạm là cách phòng tránh, ngăn ngừa bệnh tật hữu hiệu. Khoa học đã chứng minh 4 bệnh nan y mà nhân loại đang phải đối mặt đều là hệ quả của việc ăn uống dư thừa và thiếu điều độ. Tiến sĩ T.Colin Campbell trong công trình nghiên cứu “Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện” cho rằng, 90% căn bệnh của con người bắt nguồn từ việc ăn uống tùy tiện, không điều độ. Khi đối mặt với bệnh tật, ông khuyên con người hạn chế dùng thuốc mà hướng đến chế độ ăn uống khoa học, nhất là thực đơn ăn uống thuần thực vật, để chữa bệnh.
Tương tự, trong bộ sách “Nhân tố enzyme”, bác sĩ nội soi dạ dày Hiromi Shinya, người đã khám cho trên 300.000 bệnh nhân suốt 40 năm qua, kết luận: “Người có sức khỏe tốt là người có dạ dày đẹp, ngược lại, người có sức khỏe kém là người có dạ dày không đẹp”. Chỉ cần nhìn vào dạ dày, ông “đọc” được chính xác tình trạng sức khỏe của người bệnh và yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tình trạng đẹp-xấu của dạ dày chính là thói quen ăn uống hàng ngày. Từ đó, ông đưa ra lời khuyên ăn uống dựa trên những luận điểm khoa học mà bản thân đã dày công nghiên cứu với sự trợ giúp của hàng trăm ngàn bệnh nhân.
Ngay cả huyền thoại y học Nhật Bản-bác sĩ Shigeaki Hinohara (thọ 105 tuổi) khi chia sẻ 5 bí quyết sống thọ của mình, đứng đầu cũng là những đúc kết về việc giữ gìn sức khỏe thông qua ăn uống: “Tất cả chúng ta đều nhớ rằng lúc còn nhỏ, khi đó chúng ta luôn vui vẻ, thường quên ăn, quên ngủ. Tôi tin rằng chúng ta cũng có thể mang tâm thái đó khi trưởng thành. Tốt nhất là không trói buộc cơ thể vào quá nhiều quy tắc như giờ ăn, giờ ngủ”. Theo ông, “ngừng lo lắng về bữa ăn, giấc ngủ” sẽ giúp mỗi người khỏe mạnh, có thêm thời gian để cống hiến và tràn đầy cảm hứng cho công việc mỗi ngày.
Khi cuộc sống ngày càng có điều kiện, bữa ăn trong mỗi gia đình càng giàu dinh dưỡng hơn. Nhưng đây lại đang là nghịch lý mà các bác sĩ cảnh báo: Bữa ăn càng giàu đạm, nguy cơ bệnh tật càng tăng. Ăn uống vốn dĩ là chuyện thường ngày, chúng ta có thể quên việc này việc khác nhưng hiếm khi quên chuyện ăn. Nhưng cũng chính vì vậy mà phải nỗ lực để xây dựng cho mình thói quen ăn uống lành mạnh, tập ăn ít để khỏe. Nói nỗ lực là bởi “được ăn ngon” là một “dục vọng” mà con người rất dễ thỏa hiệp với chính mình để được thỏa mãn.
MINH CHÂU