(GLO)- Cùng thuộc về mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, thua Đà Lạt khoảng vài trăm mét độ cao so với mực nước biển, Pleiku vẫn được biết đến là nơi có một khí hậu ôn hòa, phù hợp với sự sinh trưởng của không ít loài hoa. Thế nhưng, hầu như trong tâm trí của nhiều người, trong đó có cả chúng ta-những người đang sinh sống giữa lòng Phố núi-thì gần như là mặc nhiên, cứ nhắc đến xứ hoa là nghĩ ngay đến Đà Lạt.
Phải chăng, những loài hoa được trồng ở Pleiku chưa thực sự nổi bật, chưa phong phú, chưa làm nên một bản sắc riêng có của “thương hiệu” hoa Pleiku? Phải chăng, trước nay, người Pleiku mới chỉ dừng lại ở những việc “kinh doanh buôn bán” các loại hoa, cây cảnh có nguồn gốc xuất xứ từ những vùng miền khác mà chưa chú trọng đến việc tạo nên những loài hoa “made in Pleiku”. Và, cũng phải chăng, Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung chưa có một chiến lược lâu dài để gầy dựng nên một “thương hiệu hoa” mang nét đặc trưng văn hóa riêng có của mình, tựa như: đào Sa Pa, mai anh đào Đà Lạt, tam giác mạch Hà Giang…
Một nhóm bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm ở những bụi hoa dã quỳ. Ảnh: Quang Vũ |
Pleiku những ngày này, đất trời đang chuyển mình vào Xuân, chỉ độ dăm ba tuần nữa là Phố núi sẽ rực rỡ sắc hoa, đi đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp hương sắc của mùa Xuân. Dạo quanh một vài cơ sở kinh doanh cây cảnh lớn của Pleiku như: Xuân Thủy, Đức Đoan (đường Trường Chinh), Ngọc Liệu (đường Cách Mạng Tháng Tám), Minh Tuấn (đường Phạm Văn Đồng), Ngọc Định, Tùng (đường Lê Duẩn)… đã thấy chủ vườn trưng bày ở ngay trên vỉa hè đoạn trước cơ sở mình những loài hoa, loài cây đẹp nhất, bắt mắt nhất. Theo dự tính của các cơ sở này thì cùng với việc tiếp tục tung ra thị trường các loại cây, hoa được người dân chuộng mua trong dịp Tết đến Xuân về như quất, mai vàng, mai chiếu thủy, cúc mâm xôi, hải đường, lan các loại; chào đón Xuân Bính Thân 2016, các nhà vườn cũng sẽ mở rộng mặt hàng, kinh doanh thêm nhiều loại cây, hoa mới hoặc những loài được lai tạo, ghép màu hoa mới, đang được người dân các thành phố lớn trong cả nước tìm mua như: chuông Úc, đỗ quyên Úc, mai hoa đăng, bonsai kim thanh mai.
Hoa chào Xuân phong phú là vậy, nhưng khi nghe tôi hỏi: “Trong số bạt ngàn hoa ấy, đâu là những hoa được trồng từ Pleiku, từ Gia Lai” thì hầu hết các chủ cơ sở kinh doanh hoa đều nhìn tôi với vẻ ngỡ ngàng, lắc đầu cùng nụ cười ý nhị. “Tôi chủ yếu nhập hàng từ Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh. Hoa nhập từ một số nhà vườn của Pleiku cũng có, nhưng chủ yếu là những chậu hoa nhỏ như cúc vạn thọ, cẩm chướng, dạ yến thảo, lay ơn, nhưng phải áp Tết mới bán nhiều. Thực lòng, tôi cũng rất mong Pleiku mình có nhiều hơn những nhà vườn lớn chuyên trồng các loại hoa để những người kinh doanh như chúng tôi có thêm nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của khách, nếu có thêm được một loài hoa mang thương hiệu riêng của Pleiku nữa thì quá tốt, chắc chắn khi ấy chúng tôi sẽ giới thiệu và bán được rất nhiều hàng, đặc biệt cho đối tượng khách là người ở xa Pleiku”-Chủ cơ sở Ngọc Định cho hay. Bỏ thời gian đến thăm các nhà vườn trồng hoa tại An Phú, Chư Á, Thắng Lợi, mới hay lời chị Định là đúng. Hoa trong các nhà vườn này phần lớn là cúc, lay ơn, chủ yếu là để cắt bán cho các bạn hàng nhỏ trên chợ đầu mối.
Anh Nguyễn Văn Sơn-một người dân có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng hoa ở phường Thắng Lợi chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hoa quanh năm, mùa nào hoa ấy, giống hoa chủ yếu lấy về từ Đà Lạt, cũng có năm gầy một luống hoa riêng để làm giống cho mùa sau và cũng chỉ bó hẹp ở việc cung ứng ra thị trường dạng hoa bó, bỏ sỉ ở các mối hàng trên Trung tâm Thương mại. Bán hoa quanh năm là vậy, nhưng để có một chậu hoa đón chào năm mới, năm nào tôi cũng lên chợ hoa Xuân để mua, thường mua cúc Đà Lạt và mai Bình Định về chưng Tết”.
Nhìn từ góc độ của các nhà vườn trồng hoa trên đất Pleiku, xem ra việc hướng tới một thương hiệu hoa Pleiku thực sự còn là một điều quá xa vời. Dạo phố, ngắm hoa trên phố, tôi lại như thấy, điều này còn xa vời hơn. Ngoài một vài tuyến đường được quy hoạch chuyên trồng thông như Trần Hưng Đạo, Anh Hùng Núp, cây và hoa trên phố được trồng khá nhiều, phong phú về chủng loại nhưng hầu như lại không để lại ấn tượng nhiều cho người tham gia giao thông. Hầu như, đi bất cứ một con đường nào, ta cũng bắt gặp đâu đó sắc tím bằng lăng, sắc đỏ phượng vĩ, sắc đỏ osaka, sắc hồng hoa ban, sắc vàng hoa điệp; những ngày này dạo phố còn bắt gặp cả vẻ rực rỡ của những đóa dã quỳ ru mình với gió. Tất cả những sắc màu ấy, dù là đẹp, nhưng dường như nó lại chưa đem đến cho Pleiku một điểm nhấn cần thiết, một nét riêng cần có trong lòng người dân Phố núi và trong lòng cả những du khách lần đầu đến với Pleiku.
Có lẽ bất cứ loài hoa nào, loài cây nào, sự vật, hiện tượng tốt đẹp nào làm nên vẻ đẹp riêng có của Pleiku cũng đều luôn được nhắc nhớ tới trong niềm yêu thương và tự hào. Phải chăng, đây chính là điều làm nên một “Pleiku chưa xa đã nhớ”, một Pleiku “để nhớ để thương”, cho dù nỗi nhớ ấy, tình yêu thương ấy mới chỉ là xuất phát từ trong tâm thức của những người nặng lòng trân quý Pleiku. Và, tôi mơ rằng, trong một ngày không xa, Pleiku sẽ tạo được dấu ấn trong lòng mỗi người dân Phố núi bằng loài hoa riêng có của mình, xa hơn là “ghi danh” trong lòng du khách với tên gọi xứ hoa…
Thái Bình