Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” là chủ đề cuộc thi năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Chuyển đổi xanh trong khởi nghiệp không chỉ dựa vào tài nguyên bản địa mà cần có sự kế thừa, sáng tạo nhất định.

Chuyển đổi xanh có thể hiểu là thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng không gây hại tới môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Theo đó, cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ có những sáng kiến xuất sắc trong việc cải thiện quy trình sản xuất. Hay các dự án, ý tưởng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ mới sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, các sản phẩm thân thiện với môi trường...

Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ nữ về kinh tế xanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Mùa thu hoạch cúc cổ trà. Ảnh NVCC

Mùa thu hoạch cúc cổ trà. Ảnh NVCC

Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp trong những năm qua là điều kiện để đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh trong giai đoạn hiện nay. Các dự án khởi nghiệp sáng tạo qua các năm của hội viên phụ nữ đã chứng thực điều này.

Riêng trong năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai đã nhận được 76 dự án/ý tưởng khởi nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa. Trong đó có 4 dự án đạt giải thưởng cấp vùng và 1 dự án đạt giải khuyến khích quốc gia. Ở cấp tỉnh cũng trao 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 13 giải khuyến khích cho các dự án tốt, có tính khả thi.

Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như: “Sản xuất rau an toàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng” của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ An Nhiên (huyện Kông Chro) do chị Trần Thị Tầm làm chủ nhiệm; “Sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa” của chị Nguyễn Thị My Sa (huyện Chư Păh); “Trồng dâu tây sạch kết hợp với du lịch canh nông” của chị Vũ Thị Quy (huyện Chư Prông); “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh” của chị HUyên Niê (huyện Chư Păh); “Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu sạch và sản xuất các sản phẩm trà thảo dược hòa tan tại cao nguyên Kon Hà Nừng-Kbang” của chị Nguyễn Thị Thu Trang (Công ty TNHH Dược thảo Lila, huyện Đak Pơ)…

Hầu hết các dự án khởi nghiệp của phụ nữ Gia Lai đều mang đặc trưng riêng, hướng đến tạo ra những sản phẩm xanh, chỉ dẫn địa lý tin cậy về nguồn gốc và phương thức sản xuất, tiệm cận với các yêu cầu của “chuyển đổi xanh”.

Từ sau giải thưởng khuyến khích cấp vùng cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, chị Nguyễn Thị Thu Trang vẫn không ngừng tìm tòi để mở rộng vùng nguyên liệu. Theo nữ kỹ sư công nghệ sinh học này, chuyển đổi xanh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình sản xuất.

Chị cho biết: “Trước tiên, cần giúp bà con nông dân hiểu về khái niệm nông nghiệp sạch. Bởi vấn đề của chúng tôi không chỉ là việc thu mua cây dược liệu mà phải thay đổi tập quán canh tác của bà con từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ, tạo ra vùng nguyên liệu sạch và bền vững.

Để giải quyết vấn đề này, Công ty đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, cung cấp cây giống, phân bón, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất điểm, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu với giá phù hợp để tạo thu nhập ổn định cho bà con”.

Nhưng thay đổi tư duy của bà con nông dân giống như “cuộc cách mạng một cọng rơm” (tựa một cuốn sách về nông nghiệp thuận tự nhiên của triết gia người Nhật) đòi hỏi một quá trình lâu dài. Đây cũng là khó khăn chung của quá trình “chuyển đổi xanh” trong các dự án khởi nghiệp nông nghiệp của phụ nữ.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp theo xu hướng chuyển đổi xanh. Ảnh: M.C

Chị Nguyễn Thị Thu Trang giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp theo xu hướng chuyển đổi xanh. Ảnh: M.C

Hành trình khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh của phụ nữ là chặng đường nhiều khó khăn, nếu không được trợ giúp sẽ khó có được thành tựu. Chị Trần Tú Quyên là nữ doanh nhân đi lên từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp của TP. Đà Nẵng. Các sản phẩm của Công ty cổ phần Thảo mộc An Nhiên của chị không chỉ tiêu thụ trong nước mà cả một số thị trường ở nước ngoài. Để có được thành công đó, sản phẩm thảo mộc An Nhiên “tái sinh” sau nhiều lần thất bại.

Tham gia gian hàng giao lưu với phụ nữ Gia Lai trong năm 2023, chị Quyên nhận xét: Các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ Gia Lai rất thú vị, đặc trưng và chất lượng. Nhưng phần lớn vẫn ở dạng tự phát, tính đổi mới sáng tạo chưa rõ.

Mỗi phụ nữ khởi nghiệp đều có “sự bảo thủ” riêng; nhưng cần thiết lắng nghe, học hỏi và dám thay đổi. Phải luôn đặt ra câu hỏi vì sao có người làm được, phát triển sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế, còn mình thì không làm được.

“Tôi tin với tiềm lực của chị em và tài nguyên sẵn có, phụ nữ Gia Lai cũng sẽ đạt được những thành tựu trong khởi nghiệp sáng tạo và có thể bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi xanh”-chị Quyên khẳng định.

Tại lễ phát động cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024, bà Hà Thị Nga-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam bày tỏ tin tưởng thành quả của phong trào phụ nữ khởi nghiệp những năm qua là khởi đầu tốt đẹp cho cuộc thi trong năm 2024, tiếp tục có nhiều điểm sáng và đổi mới, thể hiện vai trò của phụ nữ đóng góp tích cực vào công cuộc tăng trưởng xanh của đất nước.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.