Trao cơ hội khởi nghiệp cho phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Khó hơn nam giới trong sáng tạo khởi nghiệp do hạn chế về nhận thức xã hội và định kiến giới, song hiện nay, phụ nữ đã được trao nhiều cơ hội để khởi nghiệp thành công.

Mới đây, nhà thiết kế áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức khóa học “Cắt may và thiết kế áo dài ly vuông” miễn phí cho gần 1.000 hội viên ở các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có nhiều hội viên tại Gia Lai. Với hình thức trực tuyến, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam hướng dẫn học viên thực hiện cắt may chiếc áo dài truyền thống.

Theo nhà thiết kế, mục tiêu của chương trình là giúp hội viên phụ nữ biết cắt may áo dài đẹp theo công thức áo dài ly vuông, biết chỉnh dáng áo, khắc phục khuyết điểm từng dáng người. Quan trọng hơn là từ đây, hội viên phụ nữ có thể khởi nghiệp, mở cửa hàng may, thiết kế áo dài và kinh doanh hiệu quả. Điều này càng có ý nghĩa khi nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì mất việc hoặc không có công việc ổn định sau đại dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (bìa trái) và bà Trần Thị Dung thực hành cắt may áo dài theo phương pháp ly vuông. Ảnh: L.N

Bà Nguyễn Thị Hạnh (bìa trái) và bà Trần Thị Dung thực hành cắt may áo dài theo phương pháp ly vuông. Ảnh: L.N

Vừa hoàn thành khóa học, bà Nguyễn Thị Hạnh (34 Tô Hoài, TP. Pleiku) vẫn chưa hết hào hứng với cách cắt may, thiết kế áo dài theo phương pháp mới. Qua kênh thông tin của các cấp Hội Phụ nữ, bà biết đến lớp học này và rủ bạn bè cùng tham gia. “Theo cách thức truyền thống, nếu muốn học may áo dài phải mất 1-2 năm, nhưng đến với lớp học online này thì chỉ cần 1 tháng. Phương pháp cắt may áo dài ly vuông vừa nhanh, vừa khắc phục những nhược điểm như hay bị nhăn vải ở vai, cổ nên mặc vào rất đẹp, vừa vặn”-bà Hạnh cho hay.

Ngoài ra, thêm một bài học miễn phí mà bà Hạnh và các học viên nhận được chính là phát triển tư duy trong thiết kế và xây dựng thương hiệu. Mỗi học viên có thể trở thành nhà thiết kế có tiếng trong tương lai để cùng thực hiện mục tiêu trước mắt là tăng thu nhập, về lâu dài là quảng bá, đưa áo dài trở thành di sản văn hóa của Việt Nam ra thế giới. Từ điểm tựa được trao, bà Hạnh rủ thêm bạn là bà Trần Thị Dung (cũng vừa hoàn thành khóa học) mở một tiệm may áo dài. Bà Dung chia sẻ, dù đã luống tuổi song bà vẫn quyết tâm làm để thay đổi cuộc sống.

Một trong những khách hàng đầu tiên của tiệm may trên là bà Trần Thị Bích Đào (TP. Hồ Chí Minh). Bà Đào vui vẻ cho hay: Thời gian đầu, bà khá dè dặt khi đặt may áo dài theo phương pháp mới, song sản phẩm nhận được khiến bà rất hài lòng. “Áo dài ly vuông có ưu điểm tôn dáng của người mặc, khắc phục nhược điểm vốn có, khiến tôi thấy rất tự tin”-bà Đào nói.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp Hội, chị em phụ nữ đã nắm bắt được nhiều cơ hội khởi nghiệp và triển khai hiệu quả. Gần đây, ngày 20-9, tại vòng chung kết cấp vùng miền Trung cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, cả 2 dự án của phụ nữ Gia Lai đều đạt giải. Trong đó, Dự án “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh” của chị H'Uyên Niê đã xuất sắc đạt giải nhất. Dự án tiếp tục tham gia tranh tài cùng các dự án đạt giải cao cấp vùng miền Bắc và miền Nam tại chung kết cuộc thi cấp toàn quốc.

Tinh thần khởi nghiệp được khơi lên mạnh mẽ tại lớp tập huấn nâng cao kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ tại TP. Pleiku do Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tháng 9 vừa qua. Đây là hoạt động triển khai thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn tỉnh. 150 cán bộ, nữ tiểu thương, chủ doanh nghiệp tham gia ban quản lý, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác đã được tiếp thu các chuyên đề bổ ích như: khái quát về khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng kế hoạch kinh doanh, khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, học viên còn được Hội LHPN tỉnh thông tin những nội dung trọng tâm trong Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 557/QĐ-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.

Ngoài những đóng góp thầm lặng cho gia đình, phụ nữ đang khẳng định mạnh mẽ vai trò, vị thế trong xã hội, nhất là ở lĩnh vực sáng tạo khởi nghiệp. Hy vọng các chị tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn lớn từ gia đình và các cấp, ngành liên quan để tự tin khởi nghiệp thành công, cống hiến và tỏa sáng.

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000).