Phụ nữ Gia Lai chuyển biến từ cuộc vận động "5 không, 3 sạch"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đến nay đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong hệ thống các cấp Hội Phụ nữ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên, phụ nữ và gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới”-bà Rơ Châm H'Hồng-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết.

Thay đổi thói quen

Nhằm đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, các cấp Hội Phụ nữ đã cụ thể hóa các tiêu chí của cuộc vận động bằng các mô hình, câu lạc bộ phù hợp với từng địa bàn, khu dân cư, như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình không có người thân tham gia các tà đạo, đạo lạ”, “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới”, “Phụ nữ tham gia phòng-chống vượt biên, xâm nhập trái phép”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường không rác”, “Tổ phụ nữ tự nguyện thu gom rác”… Theo bà Rơ Châm HHồng, ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vẫn còn thói quen thả rông gia súc và nuôi, nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn, vứt rác bừa bãi... Vì vậy, để thay đổi thói quen của người dân, các cấp Hội đã tổ chức khảo sát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

 

 Phụ nữ TP. Pleiku dọn dẹp trục đường phụ nữ tự quản. Ảnh: A.H
Phụ nữ TP. Pleiku dọn dẹp trục đường phụ nữ tự quản. Ảnh: A.H

Các cấp Hội đã chọn 76/185 xã, phường, thị trấn không có dịch vụ thu gom rác thải để triển khai làm điểm đào hố rác tự hoại trong vườn nhà và chọn một số hộ có điều kiện làm mẫu. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tiến hành rà soát tại 178/222 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 51.165 hộ/114.480 hộ dân tộc thiểu số có chuồng nuôi gia súc gần nhà để tuyên truyền, vận động di dời. Đến nay, toàn tỉnh có 15/17 huyện, thị xã, thành phố đã chọn 108 làng thuộc 28 xã, phường, thị trấn với 3.473 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức làm điểm việc di dời chuồng trại chăn nuôi. Riêng chỉ tiêu mỗi chi hội giúp 5-10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt các tiêu chí của cuộc vận động, Hội LHPN tỉnh đã chọn 2 gia đình mẫu (1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo) để giúp sắp xếp nhà cửa, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi. Hiện toàn tỉnh có 15.488 hộ được giúp, trong đó có 7.434 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.  

Theo thống kê, toàn tỉnh đã vận động hội viên đào được 3.540 hố rác trong vườn; di dời 1.762 chuồng trại ra phía sau nhà; 896 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh...  Vận động 2.325 gia đình hội viên phụ nữ hiến 28.321 m2 đất, hơn 4,2 tỷ đồng làm đường, xây hội trường, nhà văn hóa thôn, trường mẫu giáo...; góp 25.143 ngày công và cùng nhân dân tu sửa 256,5 km đường giao thông nông thôn.

Gần 13 ngàn hộ thoát nghèo

Năm 2010, gia đình chị Dương Thị Tuyết (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) được các cấp Hội tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ ngân hàng. Gia đình chị Tuyết đã đầu tư mua 2 con bò cái sinh sản. 5 năm sau, chị Tuyết đã trả hết nợ ngân hàng, phát triển đàn bò lên 7 con. Gia đình chị còn nuôi 2 con heo nái, mỗi năm bán 5 lứa heo con, trừ chi phí còn lãi hơn 30 triệu đồng.

Nhiệm kỳ 2011-2016, Hội LHPN huyện Mang Yang đã giúp 8.250 lượt chị với 15.650 ngày công, hỗ trợ 28.000 cây giống, 9.532 con giống và trên 998 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn duy trì và phát triển được các mô hình: “Kho thóc tình thương” với hơn 45 tấn thóc, “Nuôi bò tình thương” được 41 con, “Kho cà phê” được 3 tấn nhân, “Nuôi heo đất”, “Góp vốn xoay vòng”... tại các xã Đak Jơ Ta, Hà Ra, Kon Thụp, Kon Chiêng...

Theo thống kê, trong nhiệm kỳ 2011-2016, các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh đã tạo điều kiện cho 56.977 hội viên vay vốn từ các ngân hàng; đồng thời duy trì có hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh với nguồn vốn hơn 16 tỷ đồng, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế được tiếp cận. Mô hình tiết kiệm được các cấp Hội triển khai với quy mô rộng và hiệu quả không chỉ giúp chị em xây dựng thói quen chi tiêu tiết kiệm mà còn là nguồn vốn nội lực tại chỗ để giúp đỡ các gia đình vượt khó, thoát nghèo với số tiền 48,1 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng phối hợp, liên kết dạy nghề cho 21.378 lao động nữ, giới thiệu việc làm cho 2.200 chị; chủ động khai thác các nguồn lực xây dựng 5 tổ liên kết, tổ hợp tác, gồm: chăn nuôi heo siêu nạc, cải tạo và chăm sóc cây hồ tiêu năng suất cao, chăn nuôi heo lai-siêu nạc, dịch vụ chăm sóc gia đình, chăm sóc cây hồ tiêu nhằm giải quyết việc làm cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, khó có cơ hội việc làm.

Mặt khác, các cấp Hội duy trì có hiệu quả 172 mô hình “3 trong 1” giúp 172 phụ nữ nghèo làm chủ hộ; tiếp tục thực hiện kế hoạch mỗi chi hội khá giúp 1 hội viên phụ nữ thoát nghèo, đã có 1.886 chi hội đăng ký giúp 1.886 hội viên phụ nữ thoát nghèo… Với nhiều cách làm sáng tạo, đến nay đã có 28.575/31.751 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ, trong đó 12.959 hộ thoát nghèo.

 Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.