Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk gian dối về bằng đại học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Thanh Hiệp, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk khai trong lí lịch có trình độ chuyên môn là kỹ sư lâm nghiệp được đào tạo ở Đại học Tây Nguyên. Nhưng tại hồ sơ lưu trữ của trường này, ông Hiệp lại không có tên trong danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp. Lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên khẳng định với phóng viên Tiền Phong: Ông Nguyễn Thanh Hiệp không đủ điều kiện để cấp bằng tốt nghiệp.
 
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk gian dối về bằng đại học
Một nguồn tin phản ánh với PV Tiền Phong: Từ lâu, ông Nguyễn Thanh Hiệp đã khai trong lí lịch ông có trình độ chuyên môn nghiệp vụ là kỹ sư lâm nghiệp, được đào tạo tại trường Đại học Tây Nguyên, nhưng thực tế thì ông này không hề có bằng tốt nghiệp đại học. Cùng tiếp nhận thông tin tương tự, ngày 16/7 lãnh đạo UBKT, Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk cùng ông Nguyễn Thanh Hiệp đến làm việc với phòng đào tạo và lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên để thẩm tra vấn đề này.
Không thể cấp bằng
 “Nhà trường chưa cấp bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên Nguyễn Thanh Hiệp, vì tại thời điểm đó sinh viên này chưa hoàn thành thời gian tập sự 16 tháng theo quy định của Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo - PV), kể từ thời gian bắt đầu tập sự là ngày 17/4/1989. Kết thúc thời gian đi thực tập tại cơ sở, sinh viên Hiệp không nộp lại kết quả. Theo quy định khi đó là không đủ điều kiện để được cấp bằng” - lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên nói.
Với câu hỏi của phóng viên Tiền Phong: Nếu áp dụng quy định hiện hành, trường hợp của ông Nguyễn Thanh Hiệp có đủ điều kiện để được xét cấp bằng hay không, lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên vẫn khẳng định không thể cấp được, và giải thích: “Muốn xem xét việc cấp bằng cho anh Hiệp, phải áp dụng quy định cũ, phải có phôi bằng tại thời điểm những năm 90 thế kỷ trước. Mà điều đó hoàn toàn không khả thi. Vì vậy, khi kết thúc buổi làm việc với các bên, lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên chỉ đồng ý cấp cho ông Hiệp giấy chứng nhận ông này đã hoàn thành chương trình đào tạo, theo đề nghị của ông Hiệp thôi”.
Liên quan đến vụ ông Hiệp không có bằng đại học, chưa được công nhận đã tốt nghiệp đại học như lý lịch tự khai, một cán bộ lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định: trường hợp này thuộc thẩm quyền xử lý của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Còn ông Bạch Văn Mạnh - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, hiện Văn phòng chưa nhận được văn bản thông báo kết quả xác minh trường hợp của ông Nguyễn Thanh Hiệp.
Đã giữ nhiều vị trí quan trọng
Cho đến nay, ông Hiệp đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở tỉnh Đắk Lắk.
Theo thông tin trên cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk (daklak.gov.vn,) từ 1989-1991 ông Hiệp là bí thư Đoàn xã Hòa Đông, thị xã Buôn Ma Thuột. Từ 1992-1995 ông là phó chủ tịch, rồi chủ tịch UBND xã Hòa Đông. Từ 1995-2003 ông là thành ủy viên, phó bí thư, chủ tịch UBND, HĐND phường Tân Hòa. Từ 2003-2005 ông là Phó chánh Văn phòng, Chánh văn phòng Thành ủy TP Buôn Ma Thuột.
Từ 2005-2010 ông là Ủy viên ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Buôn Ma Thuột. Từ 2010-2011, ông là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Buôn Ma Thuột. Từ 2011-2015 ông là Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016), Ủy viên Đảng đoàn HĐND tỉnh Đắk Lắk. Từ 2015 đến nay ông là Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng, ông Hiệp cũng được tặng thưởng nhiều danh hiệu, bằng khen.
Phóng viên Tiền Phong đã nhiều lần liên lạc với ông Hiệp qua điện thoại, nhưng ông không nghe máy.
Vũ Long (TP)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.