Phiên chợ hàng Việt góp phần bình ổn thị trường Tết Đinh Dậu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, từ ngày 4 đến 10-1, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) và thị trấn Ia Ly (huyện Chư Pah).

Đây là lần thứ 3 tổ chức phiên chợ tại hai địa điểm này, người dân rất phấn khởi và ủng hộ nhiệt tình. Chị Trần Thị Huệ (ở xã Nam Yang) cho rằng: “Các chuyến hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân mua sắm một cách dễ dàng. Lâu nay, chúng tôi cũng thường xuyên dùng hàng Việt Nam. Mua sắm ở đây không sợ hàng hết hạn sử dụng, giá cả cũng rẻ”.

 

Người dân mua sắm tại phiên chợ hàng Việt. Ảnh: Đ.H
Người dân mua sắm tại phiên chợ hàng Việt. Ảnh: Đ.H

Theo đánh giá, 2 phiên chợ này đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nhân dịp Tết và góp phần bình ổn thị trường. Đồng thời, phiên chợ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn. Ông Phan Đình Quang (Công ty TNHH Minh Dương-Chi nhánh Gia Lai) cho biết: “Tết Nguyên đán là cơ hội thuận lợi cho việc bán hàng, đặc biệt là quần áo thời trang. Vì vậy, để tăng sức mua của khách hàng, Công ty đã hạ giá phần lớn các sản phẩm để tăng doanh thu”. Qua 6 ngày tổ chức 2 phiên chợ tại xã Nam Yang và thị trấn Ia Ly doanh số hàng hóa đem đi phục vụ là 1,191 tỷ đồng, doanh số bán hàng là 165 triệu đồng.

Kể từ khi phát động chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại đã tổ chức 41 phiên chợ hàng Việt tại 16 huyện, thị xã trong toàn tỉnh, doanh thu bán hàng đạt hơn 5,455 tỷ đồng. Hầu hết các phiên chợ hàng Việt về nông thôn đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng và chính quyền địa phương. Điều đáng nói ở đây là thông qua các chương trình hàng Việt đã tuyên truyền đến cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hiểu thêm về chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, chế độ bảo hành và quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng hàng Việt Nam. Đây cũng là điều kiện quan trọng giúp hàng Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường nông thôn.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Gia Lai, để tổ chức thành công các phiên chợ, Trung tâm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền, sự phối-kết hợp chặt chẽ của các ban ngành ở địa phương. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tại mỗi phiên chợ được Đội Quản lý Thị trường các huyện tổ chức chặt chẽ, đúng quy định.

Để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đạt hiệu quả, Ban tổ chức các phiên chợ cần tăng số chuyến bán hàng và phối-kết hợp với các đại lý lớn cung ứng hàng hóa đa dạng, phong phú qua đó giúp các doanh nghiệp giới thiệu và khai thác thị trường tạo nguồn hàng Việt đa dạng với chất lượng và giá cả hợp lý. Cùng với đó, các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát hàng hóa kém chất lượng được bày bán tại các cửa hàng, các chợ nông thôn, phòng-chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng.

Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.