Phi vụ vô tiền khoáng hậu: Bà giám đốc nuốt trọn 439 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiếc xe Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hãng hàng không của Trịnh Văn Quyết liệu có cất cánh đúng thời điểm, đại gia Nam Định mất ngàn tỷ, sếp nữ Vinasshin biển thủ 439 tỷ đồng,... là những vấn đề nóng của thời sự doanh nhân tuần qua.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiếm hàng chục tỷ
Chỉ 1 giờ sau khi 2 chiếc xe ô tô Vinfast đầu tiên ra mắt tại Paris Motor Show, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng thêm 500 đồng/cổ phiếu, đẩy khối tài sản của ông Vượng lên mức 31.300 tỷ đồng và lấy lại vị trí người giàu nhất. Nhờ đà tăng rất mạnh của cổ phiếu VIC từ giữa năm 2017, khối tài sản từ cổ phiếu của ông Vượng hiện đã tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước, đạt xấp xỉ 90.000 tỷ đồng.
Theo thống kê mới nhất của Tạp chí Forbes, khối tài sản ròng mà vị đại gia họ Phạm này đang nắm giữ còn lớn hơn nhiều con số 90.000 tỷ đồng. Hiện ông là tỷ phú giàu thứ 236 thế giới với khối tài sản ròng đạt 6,7 tỷ USD.
 
Tỷ phú Vượng dấn thân vào xây dựng thương hiệu ôtô Việt với dự án VinFast từ năm 2017. VinFast đã chính thức trình làng hai mẫu xe đầu tiên tại sự kiện Paris Motor Show 2018, là hãng sản xuất ôtô đầu tiên của Việt Nam làm được điều này. VinFast cũng không ngại bày tỏ ý định mang thương hiệu ôtô Việt xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới.
Đại gia kín tiếng Trần Đình Long
Trong năm vừa qua và đầu năm 2018, ông Trần Đình Long liên tiếp lập những kỷ lục thần kỳ. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của doanh nhân này tiếp tục giữ vững vị trí thống trị trong ngành thép với mức lợi nhuận sau thuế 2017 cao lịch sử với 8.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Trong 6 tháng, HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 4,4 ngàn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ 2017.
Mặc dù có thể đối mặt với khó khăn nhưng cổ phiếu HPG vẫn ở vùng cao lịch sử. Ông Trần Đình Long vẫn là người giàu thứ hai trên TTCK Việt Nam, với túi tiền theo xếp hạng của Forbes lên tới 1,2 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long được biết đến là người khá giản dị, không dùng siêu xe. Ông Long từng sở hữu máy bay riêng để phục vụ việc đi lại lên mỏ ở Lao Cai nhưng sau đó đã bán do việc đi lại đã dễ dàng hơn nhờ đường cao tốc được mở.
Trịnh Văn Quyết tham vọng hàng không
Từng tuyên bố sẽ bay trong ngày 10/10, tỷ phú Trịnh Văn Quyết tham gia vào lĩnh vực hàng không với việc thành lập Công ty Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Hiện tập đoàn này cũng có kế hoạch để tăng vốn Bamboo Airways lên 1.300 tỷ đồng trong thời gian tới.
Tham vọng của đại gia họ Trịnh được khẳng định bằng việc ký hợp đồng đặt mua 44 máy bay mới từ hai hãng Boeing và Airbus với tổng giá trị hợp đồng lên tới 8,6 tỷ USD.
Chỉ còn vài ngày trước thời điểm dự kiến cất cánh chuyến bay đầu tiên - ngày 10/10, hãng này vẫn chưa được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Đại gia Nam Định tụt dốc, mất ngàn tỷ
Doanh nghiệp của đại gia Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) bất ngờ giảm mạnh sau khi công bố kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Những nỗ lực cứu giá của lãnh đạo doanh nghiệp có thể tan thành mây khói.
Cổ phiếu VCS giảm mạnh sau khi Vicostone công bố lợi nhuận sau thuế quý 3 chỉ đạt chưa tới 270 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một kết quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của một cổ phiếu tăng trưởng đột phá trong nhiều năm gần đây. Cổ phiếu VCS của Vicostone bất ngờ sụt mạnh 5,9% và “cuốn đi” hơn 700 tỷ đồng giá trị tài sản chứng khoán của đại gia Hồ Xuân Năng.
Kết quả này cũng là một tín hiệu cho thấy, Vicostone của ông Hồ Xuân Năng có thể đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng phi mã kéo dài nhiều năm. Lợi thế của VCS có thể đã không còn như trước đây, trước áp lực cạnh tranh cao đến từ đối thủ dùng công nghệ Trung Quốc.
 
Bố chồng Hà Tăng sắp nhận gần 50 tỷ đồng tiền mặt
Với trên 45% vốn tại SASCO, các công ty có liên quan tới gia đình nhà chồng diễn viên Hà Tăng đang nắm giữ khoảng 60,4 triệu cổ phiếu SAS. Như vậy, gia đình ông Jonathan Hạnh Nguyễn sẽ nhận về khoảng 48 tỷ đồng tiền mặt từ đợt tạm ứng cổ tức của SASCO lần này. Trong khi đó, ACV cũng nhận về khoảng hơn 52 tỷ đồng.
SASCO là doanh nghiệp cổ phần hóa và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn là cổ đông lớn nhất. Công ty do ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch HĐQT. Vợ ông Hạnh Nguyễn, bà Lê Hồng Thủy Tiên cũng tham gia vào HĐQT SASCO từ cuối năm 2014 khi doanh nghiệp này cổ phần hóa.
Dàn lãnh đạo "siêu ủy ban" quản lý hàng triệu tỷ đồng
Lãnh đạo Ủy ban ban đầu gồm một Chủ tịch do ông Nguyễn Hoàng Anh và một Phó Chủ tịch do bà Nguyễn Thị Phú Hà đảm nhiệm.
Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch "siêu uỷ ban" quản lý hàng triệu đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng. Trước đó, ông là Đại biểu HĐND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng từ năm 2010.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Thị Phú Hà từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bà Nguyễn Thị Phú Hà sinh năm 1972, quê ở Hà Tĩnh, có trình độ tiến sĩ kinh tế. Bà đã công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư được 21 năm.
Sếp cũ Vietinbank giữ chức Quyền chánh thanh tra
Thống đốc NHNN đã chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng giữa chức vụ Quyền chánh thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10.
Trước khi sang công tác tại NHNN, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại Vietinbank từ cán bộ Phòng tín dụng Chi nhánh Đống Đa, rồi quyền trưởng phòng Khai thác vốn quốc tế; Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Đào tạo... và cao nhất là vị trí Phó tổng giám đốc Vietinbank từ năm 2008.
Sau gần 8 năm đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại Vietinbank, tháng 6/2016, ông được NHNN tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng NHNN, và từ tháng 8/2018 được điều động giữ chức vụ Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng.
 
Đại gia Lê Phước Vũ giải thể dự án bất động sản nghìn tỷ
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ mới đây đã công bố thông tin về việc giải thể Công ty cổ phần Hoa Sen Vân Hội. Đây chính là công ty con do Hoa Sen lập ra để đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Lý do giải thể được Hoa Sen đưa ra là do công ty đã ngừng tổ chức, triển khai dự án bất động sản nghỉ dưỡng này và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái đã có quyết định về việc giải thể Hoa Sen Vân Hội.
Công ty Hoa Sen Vận Hội mới chỉ được thành lập từ năm 2016, do Hoa Sen sở hữu 70% vốn góp, một cổ đông khác của công ty cũng chính là đại gia Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen.
Sếp nữ Vinashin biển thủ 439 tỷ đồng
Căn cứ vào các tài liệu Cơ quan ANĐT xác định, Nguyễn Hồng Anh, TGĐ Công ty VTC đã chiếm đoạt hơn 439 tỷ đồng. Hồng Anh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Tổng giám đốc, được HĐQT Công ty VTC giao tổ chức, điều hành việc sản xuất, bán 9.000 container cho Công ty UASC đã chiếm đoạt tiền của Công ty VTC.
Sau khi được VCB cho vay vốn và đã thực hiện xong việc sản xuất, giao hàng và đã được bên mua hàng (UASC) chuyển trả hết tiền nhưng Nguyễn Hồng Anh đã có hành vi gian dối.
Công ty liên doanh Container Vinashin - TGC (VTC), nay là Công ty Cổ phần Container Quốc tế CAS, gọi tắt là CAScon được thành lập theo quyết định số 2533/ GP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin) góp 55% vốn liên doanh với Công ty Toong Goen Enterprise Co., Ltd (Đài Loan) góp 45% vốn.
Bảo Anh (Tổng hợp/Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.