Phát hiện 'triệu năm có một': Tìm ra sự sống ở nơi khắc nghiệt nhất Trái đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà khoa học tình cờ phát hiện sự sống bị chôn vùi bên dưới lớp băng dày gần 1 km ở Nam Cực, thách thức giả thuyết cho rằng chẳng có loài nào có thể tồn tại ở nơi khắc nghiệt nhất của Trái đất.

Một trong hai động vật lạ vừa được tìm thấy bên dưới băng tầng Nam Cực. Ảnh: SỨ MỆNH KHẢO SÁT NAM CỰC CỦA ANH
Một trong hai động vật lạ vừa được tìm thấy bên dưới băng tầng Nam Cực. Ảnh: SỨ MỆNH KHẢO SÁT NAM CỰC CỦA ANH
Lâu nay, giới nghiên cứu cho rằng điều kiện nhiệt độ lạnh giá, sự thiếu thốn ánh sáng mặt trời lẫn thức ăn đã khiến Nam Cực trở thành vùng đất chết của địa cầu.
Thế nhưng, có những sinh vật dẻo dai đang bám trụ bên trên một tảng đá trong lòng biển, bên dưới thềm băng Filchner-Ronne ở Nam Cực. Đội ngũ chuyên gia của đội Khảo sát Nam Cực Anh đã phải khoan xuyên lớp băng dày gần 900 m trước khi đến được nơi này.
“Khu vực bên dưới các thềm băng Nam Cực có lẽ là một trong những nơi dung dưỡng sự sống nhưng ít được biết đến nhất trên bề mặt Trái đất”, báo The Guardian dẫn lời ông Huw Griffiths, một trong các nhà khoa học tham gia khám phá mới.
“Chúng tôi chưa bao giờ cho rằng có động vật ở đây”, ông cảm thán.
Thềm băng Filchner-Ronne có diện tích khoảng 430.000 km2, lớn thứ hai ở Nam Cực, và ban đầu các nhà khoa học không hề có ý định săn lùng sự sống tại khu vực này.
Thay vào đó, họ khoan xuyên băng để thu thập mẫu ở thềm biển, cho đến khi camera của họ ghi nhận được điều bất thường trên một tảng đá.
“Chúng tôi chưa hề nghĩ rằng có thể tìm được dạng sống như thế trong cả một triệu năm”, ông Griffiths nhớ lại.
Họ ghi hình được 2 dạng sự sống chưa từng được ghi chép trước đó, với một loài động vật màu đỏ có những cuống dài, trong khi loài màu trắng lại giống như bọt biển.
“Phát hiện của chúng tôi nêu lên nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, chẳng hạn như bằng cách nào chúng đến được nơi đó? Chúng ăn gì? Chúng đã bám trụ ở đây từ khi nào?”, chuyên gia Griffith liệt kê những điều cần phải làm rõ trong thời gian tới.
Theo Hạo Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm