Nghiên cứu mới từ Đại học Padjadjaran (Indonesia) đã áp dụng thành công bột cà phê để điều trị vết loét do tiểu đường cho nam bệnh nhân đã có chỉ định cắt cụt chi.
Trong bài công bố mới trên tạp chí khoa học của Mỹ - American Journal of Medical Case Reports – nhóm tác giả đến từ Đại học Padjadjaran (Tây Java, Indonesia) đã trình bày một kiểu điều trị vết loét tiểu đường rất khác thường.
Cà phê không chỉ là một thức uống - ảnh minh họa từ internet |
Theo các tác giả, bệnh nhân nam giấu tên, 63 tuổi đã có chỉ định cắt cụt chi vì 3 vết loét do bệnh tiểu đường ở phía trên bàn chân phải của ông rất nặng, bị nhiễm trùng và đã thất bại trong điều trị. Nếu không đoạn chi, nhiễm trùng có thể diễn tiến nặng, gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Tuy nhiên, nam bệnh nhân từ chối cắt bỏ phần chân này.
Vì vậy, bác sĩ Hendro Yuwono – tác giả chính của báo cáo nói trên – và các cộng sự đã quyết định điều trị cho ông bằng bột cà phê arabica. Bột cà phê được áp dụng như một loại thuốc trị nhiễm trùng, xát trực tiếp vào vết thương và băng lại. Bệnh nhân được thay băng 1 tuần/lần kết hợp với theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Sau 3 tháng, vết nhiễm trùng đã đường đẩy lùi hoàn toàn một cách bất ngờ.
"Cà phê có khả năng như một chất chống oxy hóa, kháng viêm và kháng khuẩn mạnh. Nhiều hóa chất trng cà phê có thể giữ cho các tế bào của vết thương khỏe mạnh, giúp chúng mau lành hơn" – bác sĩ Yuwono tuyên bố trong báo cáo. Ông cho biết thêm bột này có thể kháng lại một số nhiễm trùng thông thường như MRSA và E.coli, bằng cách sản xuất hydro peroxide khi nó phản ứng với chất lỏng trong vết thương, giúp giảm khả năng sinh sản của vi khuẩn.
Nhóm tác giả cho biết họ đã thử nghiệm liệu pháp này trên hơn 200 bệnh nhân từ năm 2004 đến nay và chưa có ca nào bị biến chứng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý phương pháp vẫn trong giai đoạn nghiên cứu và mọi quy trình đều được quản lý chặt chẽ trong môi trường vô trùng của bệnh viện. Công trình đưa ra triển vọng về một phương pháp điều trị giá rẻ, an toàn để điều trị nhiễm trùng, vấn đề đang rất được quan tâm trong bối cảnh tình trạng kháng kháng sinh gia tăng. Tất nhiên để có thể xây dựng một phác đồ hoàn chỉnh, cần thêm nhiều bước nghiên cứu và thử nghiệm.
Thời gian qua, một số phương pháp kỳ quặc và ứng dụng vật liệu tự nhiên cũng dần được nghiên cứu và triển khai. Gần đây nhất là sự chấp thuận của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đối với liệu pháp trị vết thương bằng… giòi.
A. Thư (Theo Daily Mail, nld)