Phát hiện sinh vật gần 1 tỉ năm tuổi, có lẽ còn sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một đội ngũ các nhà nghiên cứu đã tìm ra những vi sinh vật 830 triệu năm tuổi bên trong một mẩu đá muối ở Úc, và nhiều khả năng chúng vẫn còn sống, theo trang Vice ngày 18.5.
 

 Các vi sinh vật bên trong mẩu đá muối cổ đại. Ảnh: Geology
Các vi sinh vật bên trong mẩu đá muối cổ đại. Ảnh: Geology


Theo báo cáo được bình duyệt trên chuyên san Geology, đội ngũ của Đại học Tây Virginia (Mỹ) tìm được nhóm vi sinh vật bên trong một mẩu đá muối cổ đại bị mắc kẹt trong hốc đá ở vùng trầm tích Browne thuộc miền trung nước Úc.

“Thậm chí sau một khoảng thời gian đáng kể, những vi sinh vật đó vẫn có thể được tìm thấy”, tác giả Sara Schreder-Gomes lưu ý.

Các tác giả cho rằng những vi sinh vật trên có thể bị nước đẩy vào đá muối, hoặc bản thân chúng thuộc nhóm các sinh vật ái cực, tức vi khuẩn sống trong những điều kiện nhiệt độ cực đoan hoặc môi trường a xít.

Sau quá trình thí nghiệm, đội ngũ chuyên gia rút ra kết luận rằng vật liệu di truyền bên trong đá muối chưa từng bị can thiệp bởi các tác nhân bên ngoài. Điều này có nghĩa là chúng bị phong tỏa bên trong mẫu vật suốt thời gian dài.

Họ cũng cho rằng các vi sinh vật có thể vẫn còn sống sau gần 1 tỉ năm, vì nhóm chuyên gia quan sát được chúng vẫn có dấu hiệu chuyển động.

Phát hiện mới cho phép con người có thể hy vọng tìm được những chỉ dấu sinh học bên trong các khoáng chất tương tự trên sao Hỏa và được các tàu thăm dò mang về trái đất.

Thời gian gần đây, giới khoa học tiếp tục thu thập nhiều chứng cứ liên quan đến nước trên sao Hỏa. Vài ngày trước, tàu thăm dò Chúc Dung của Trung Quốc đã phát hiện khoáng chất ngậm nước trên bề mặt hành tinh đỏ.

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể thu thập thêm những bằng chứng trong nỗ lực xác định liệu sao Hỏa từng có sự sống cổ đại hay không.

Theo Hạo Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm