Phát hiện ngôi sao khổng lồ có năng lực phát sáng lạ thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà thiên văn học phát hiện ngôi sao khổng lồ lấp lánh, gấp 100 lần kích cỡ Mặt trời, ở gần trung tâm của Dải Ngân hà.

 Hình minh họa ngôi sao VVV-WIT-08 ở gần tâm Dải Ngân hà, cách Trái đất hơn 25.000 năm ánh sáng. Ảnh: Amanda Smith, Đại học Cambridge
Hình minh họa ngôi sao VVV-WIT-08 ở gần tâm Dải Ngân hà, cách Trái đất hơn 25.000 năm ánh sáng. Ảnh: Amanda Smith, Đại học Cambridge


Nhóm thiên văn học quốc tế phát hiện một ngôi sao khổng lồ lấp lánh ở phía trung tâm Dải Ngân hà, cách Trái đất hơn 25.000 năm ánh sáng, theo Phys.org.

Ngôi sao khổng lồ vừa được phát hiện là VVV-WIT-08. Ngôi sao này bị giảm độ sáng đi tới 97%, tới mức gần như biến mất khỏi bầu trời sau đó từ từ sáng trở lại.

Nhiều ngôi sao thay đổi độ sáng do rung động hoặc bị ngôi sao khác trong hệ nhị phân che khuất. Tuy nhiên, rất hiếm ngôi sao bị mờ đi trong vài tháng sau đó lại sáng trở lại như VVV-WIT-08.

 

 Một chuỗi hình ảnh ngôi sao VVV-WIT-08 đang mờ dần và sáng dần. Ảnh: ESO
Một chuỗi hình ảnh ngôi sao VVV-WIT-08 đang mờ dần và sáng dần. Ảnh: ESO


Các nhà thiên văn học tin rằng, ngôi sao VVV-WIT-08 có thể thuộc một lớp mới của hệ sao đôi "khổng lồ lấp lánh", trong đó một ngôi sao khổng lồ lớn hơn Mặt trời 100 lần cứ vài thập kỷ một lần bị thiên thể đồng hành che khuất.

Thiên thể đồng hành có thể là một ngôi sao hoặc một hành tinh có đĩa mờ đục bao quanh dẫn tới che phủ ngôi sao khổng lồ khiến ngôi sao biến mất, sau đó xuất hiện trở lại trên bầu trời.

Nghiên cứu về ngôi sao khổng lồ mới phát hiện được công bố trên tập san học thuật Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Phát hiện do Tiến sĩ Leigh Smith - Viện Thiên văn học của Cambridge cùng các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh, Đại học Hertfordshire của Anh, Đại học Warsaw ở Ba Lan và Đại học Andres Bello ở Chile, thực hiện.

Vì ngôi sao nằm trong vùng dày đặc của Dải Ngân hà nên các nhà nghiên cứu đã xem xét liệu có khả năng một vật thể tối chưa biết tình cờ trôi dạt ra trước ngôi sao khổng lồ không. Tuy nhiên, mô phỏng chỉ ra rằng, để xảy ra tình huống này cần lượng lớn thiên thể tối trôi nổi quanh thiên hà.

Một số hệ thống sao khác thuộc loại này đã được các nhà thiên văn học biết đến từ lâu. Ngôi sao khổng lồ Epsilon Aurigae bị một đĩa bụi khổng lồ che khuất một phần sau mỗi 27 năm, nhưng chỉ mờ đi khoảng 50%. Ngôi sao TYC 2505-672-1 được phát hiện cách đây vài năm và giữ kỷ lục về hệ sao đôi bị che khuất với chu kỳ quỹ đạo dài nhất - 69 năm.

Không rõ khi nào VVV-WIT-08 sẽ lại mờ đi, nhưng các nhà thiên văn học tin rằng hiện tượng này sẽ xảy ra trong 20 đến 200 năm tới.


Ngoài VVV-WIT-08, nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Anh cũng đã tìm thấy thêm 2 ngôi sao khổng lồ kỳ lạ khác, dấu hiệu cho thấy có thể có một lớp sao khổng lồ lấp lánh mới cho các nhà thiên văn học nghiên cứu.

VVV-WIT-08 được các nhà thiên văn học phát hiện thông qua các thiết bị trên kính thiên văn VISTA ở Chile được Đài quan sát phía Nam Châu Âu (ESO) vận hành.

https://laodong.vn/the-gioi/phat-hien-ngoi-sao-khong-lo-co-nang-luc-phat-sang-la-thuong-919304.ldo
 

Theo Thanh Hà (LĐO)

Có thể bạn quan tâm