Phát hiện các thiên hà khổng lồ nhưng khó quan sát được trong vũ trụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vũ trụ của chúng ta có lẽ chứa đầy những thiên hà khổng lồ, sau khi các nhà thiên văn học phát hiện 2 thiên hà vô tuyến đang chứa chấp một số vật thể lớn nhất từng được biết đến trong vũ trụ.
 
Hai thiên hà vô tuyến khổng lồ dưới ống kính của MeerKAT. Ảnh: MONTHLY NOTICES OF THE ROYAL ASTRONOMICAL SOCIETY
Hai thiên hà vô tuyến khổng lồ dưới ống kính của MeerKAT. Ảnh: MONTHLY NOTICES OF THE ROYAL ASTRONOMICAL SOCIETY
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, đội ngũ chuyên gia đã tìm ra 2 thiên hà trên trong lúc nghiên cứu các bản đồ vô tuyến mới nhờ vào kính viễn vọng MeerKAT ở Nam Phi.
Thiên hà vô tuyến chính là những đối tượng sáng nhất về khía cạnh bước sóng ánh sáng. Centaurus A là một thiên hà vô tuyến điển hình. Nó là thiên hà sáng thứ 5 trên bầu trời đêm của Trái đất, và cách chúng ta khoảng 12 triệu năm ánh sáng.
Bên cạnh đó, Centaurus A được xác định chứa siêu hố đen khổng lồ ở lõi thiên hà, và “con quái vật” này liên tục phóng những luồng khí phản lực mạnh mẽ theo hướng vuông góc với đĩa thiên hà.
Các thiên hà vô tuyến khổng lồ càng hiếm hơn và phóng ra các luồng phản lực gấp 22 lần kích thước của Dải Ngân hà.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học lại vừa tìm được 2 thiên hà vô tuyến kích thước khủng ở một dải hẹp của bầu trời đêm, theo tác giả báo cáo Jacinta Delhaize của Đại học Cape Town (Nam Phi).
“Bộ đôi thiên hà này vô cùng đặc biệt vì chúng nằm trong số các thiên hà lớn nhất, thuộc nhóm 10% của toàn bộ thiên hà vô tuyến”, đồng tác giả Matthew Prescott của Đại học Western Cape cho biết.
Đường kính của chúng trải dài khoảng 6,5 triệu năm ánh sáng, tức gấp 62 lần kích thước của Dải Ngân hà. Cho đến nay, giới thiên văn học vẫn chưa hiểu rõ tại sao một số thiên hà vô tuyến lại có thể trưởng thành đến mức khổng lồ như thế.
Thậm chí có người còn cho rằng các thiên hà vô tuyến khổng lồ là những đối tượng cổ xưa nhất của vũ trụ, cho phép các luồng phản lực của chúng lan tỏa khắp chiều dài không gian vài trăm triệu năm.
Theo Hạo Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm