Phạm Thuần-Trưởng ty Công an đầu tiên của Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Trong lớp những đảng viên thuộc Chi bộ và Đảng bộ đầu tiên ở Gia Lai, có một người mà chúng ta nhắc đến tên rất nhiều, nhưng thân thế và cuộc đời thì gần như còn chưa được mấy ai biết đến-đó là Phạm Thuần. Là Tỉnh ủy viên lâm thời của Đảng bộ Tây Sơn (Đảng bộ tỉnh Gia Lai ngày nay), ông đã kinh qua nhiều chức vụ ngay sau Cách mạng Tháng Tám: Chủ tịch Hội Thanh niên cứu quốc; Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh (1946); Trưởng ty Công an (khi ấy gọi là Trưởng ty Cảnh sát) đầu tiên của Gia Lai.

Chàng thủy lâm và hàng thông reo Phố núi

Một chiều, tôi tìm về ông Nguyễn Khoa (tức Phan Khắc), một người bạn của ông Phạm Thuần từ thuở Đoàn Thanh niên Gia Lai hồi tháng 3-1945 cùng tham gia giành chính quyền ở Gia Lai.
 

1
Ông Phạm Thuần. Ảnh: Q.N

Ông Nguyễn Khoa nhớ lại: Hồi đó, ông hoạt động trong Hội Cứu tế đỏ bị bắt (1940) và được thả ra tù đang bắt nối liên lạc với cách mạng. Sau Nhật đảo chính Pháp, ông từ Bàu Cạn về Pleiku, khi đi đến núi Hdrông (núi Hàm Rồng) bỗng nghe tiếng sáo tre réo rắt như ẩn chứa nhiều tâm trạng. Cảm động trước âm điệu của tiếng sáo, ông tìm đến nơi người thổi sáo thì mới hay đó là người cai trồng rừng thuộc Hạt Thủy lâm liên tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Nói là cai cho oai, chứ thật ra chẳng khác gì bị quản thúc! Họ làm quen nhau thật tình cờ, nhờ vậy mà ông đã liên lạc được với Đoàn Thanh niên Gia Lai, vì ông Phạm Thuần là một trong số cán bộ của Đoàn Thanh niên ngày ấy. Họ cùng hoạt động cách mạng với nhau, cùng chứng kiến những biến cố trọng đại của Gia Lai những ngày đầu giành chính quyền và ngày đầu kháng chiến.

Cũng từ câu chuyện của ông Nguyễn Khoa, tôi hiểu thêm nhiều điều bất ngờ về người trồng cây xung quanh thị xã Pleiku năm xưa.

Lâu nay, tôi cũng như nhiều người ở Phố núi Pleiku ngày ngày vẫn luôn  tự hào về thành phố có những hàng thông cổ thụ cao vút reo trong gió, những cây sao, cây long não trên đường Nguyễn Du, Hoàng Hoa Thám, Hai Bà Trưng… Những hàng cây ấy do chính ông Phạm Thuần và những người phu dân tộc Jrai dưới chân núi Hdrông trồng từ những năm 40 của thế kỷ trước.

Ông sinh năm 1917 tại thôn An Lão, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nhà Nho, bố ông là một lương y. Năm 1926, ông theo cha lên Kon Tum kiếm sống. Ông từng học tại Trường Tiểu học Pháp-Việt Kon Tum. Trong những năm từ 1932 đến 1938 ông làm giáo viên, rồi làm cai ký tại các đồn điền Đak Đoa và Biển Hồ, năm 1939 thi đậu vào ngạch công chức ngành thủy lâm, được tuyển và bổ nhiệm vào Hạt Thủy lâm liên tỉnh Kon Tum-Gia Lai.

Cũng chính sự thường ngày giáp mặt với bọn chủ người Pháp ông thấy rõ được bản chất của thực dân, phát xít và nhận thức sâu sắc như thế nào nỗi nhục của người dân mất nước. Ông kể trong hồi ký của mình: Mùa khô năm 1938, ông đi cùng xe với một mụ đầm Tây, khi xe đi trên đèo An Khê, đường quanh co, con chó của mụ nôn ọe bẩn lên người mấy người viên chức cũng đến Gia Lai nhận việc, mọi người khó chịu nhưng không nói, vậy mà chẳng những không xin lỗi mà mụ đầm còn lớn tiếng: “Chà, tôi rất ngạc nhiên về sự sạch sẽ của mi! Không thể so sánh được giữa mi và con chó của tôi. Đồ thối!”.

Lại lần khác, khi ông là nhân viên của Văn phòng Hạt Thủy lâm, chỉ chưa lấy kịp tài liệu cho tên Hạt trưởng, hắn đã chửi thẳng vào mặt ông: “Khốn nạn! Anh thật tầm thường”. Ông phản kháng lại và cái giá phải trả là “một ngày tạnh ráo năm 1940 tôi bị đày đi trồng rừng ở núi Hdrông và xung quanh thị xã Pleiku…”. Nhưng như ông nói, về đây ông lại nhận biết được nhiều điều, ông đã chứng kiến sự khổ ải người phu “đi xâu” trồng rừng bị bọn chủ Pháp bóc lột đến tận cùng. Cũng chính trong thời gian này, ông đã được gặp nhiều công chức tiến bộ ở Pleiku như: Nguyễn Đường, Trần Ngọc Vỹ, Dương Thành Đạt, Trần Ren, Phan Bá và đã tham gia thành lập Đoàn Thanh niên Gia Lai tháng 3-1945 và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
 

Ảnh: Q.N
Ảnh: Q.N

Trưởng ty Công an đầu tiên

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông hăng hái đi đầu hoạt động xã hội, làm công tác vận động quần chúng, được bầu làm Chủ tịch Hội thanh niên cứu quốc, Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. Hòa trong khí thế cách mạng sôi nổi, nhận thức trong ông càng được nâng cao. Ông tự rút ra một điều: Khi quần chúng nhân dân Kinh, Thượng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Việt Minh thì “có sức mạnh dời non, lấp bể”.

Ấn tượng sâu sắc nhất trong ông ở buổi đầu đến với Đảng, là khi được đồng chí Phan Thêm-đặc phái viên của Xứ ủy Trung bộ đến Gia Lai chỉ đạo phong trào. Chính Phan Thêm đã dìu dắt, hướng dẫn ông về công tác vận động quần chúng và tuyên truyền về lý tưởng của người cộng sản, về thể chế dân chủ, cộng hòa, ông đã hiểu thêm được rất nhiều: “Ở bước đi chập chững trên con đường cách mạng, lại được một người thầy cộng sản (Phan Thêm-N.V) dìu dắt, tôi vô cùng phấn khởi, một niềm phấn khởi kỳ lạ, khó tả, như có “trống dong cờ phất” trong lòng”.

Với sự nhiệt tình nhận thức về Đảng và luôn đi đầu tiên phong, ông được kết nạp Đảng và là một trong những đảng viên đầu tiên, ở chi bộ đầu tiên và cũng là Tỉnh ủy viên lâm thời khi mà Đảng bộ Tây Sơn được thành lập. Đầu năm 1946, ông được cử giữ chức Trưởng ty Công an (Sáp nhập 2 Ty Trinh sát và Ty Cảnh sát).  
 

 

Ngày ấy, khi mới nhận chức Trưởng ty Công an, như ông tự nhìn nhận: “Lãnh trách nhiệm thì nặng nề, trong khi chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân để lãnh đạo chỉ huy lại chưa được học tập, bồi dưỡng qua bất cứ trường lớp nào”. Lực lượng Công an cách mạng còn mỏng và yếu cả về tổ chức và đội ngũ, đây là thử thách đối với ông và ngành Công an non trẻ khi ấy. Còn nhớ, khi chính quyền các cấp trong tỉnh còn đang trong trứng nước thì bọn phản động thân Pháp ở đồn điền Biển Hồ lôi kéo khá đông người kéo về Pleiku biểu tình đòi thả người (Ủy ban Hành chính bắt một số tên phản động thân Pháp, thân Nhật nguy hiểm) thực chất là chống chính quyền cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của ông, lực lượng Công an tuy mỏng, nhưng đã khôn khéo mềm mỏng trong đấu tranh chính trị, nhưng cũng rất kiên quyết với kẻ chủ mưu biểu tình. Kết quả, qua tuyên truyền vận động, luồn sâu nắm chắc, những người đi biểu tình hiểu ra và tự giải tán, còn bọn cầm đầu cũng lộ diện qua phát giác của quần chúng.  

Với vai trò là người đứng đầu lực lượng Công an Gia Lai (1946-1948), ông đã rút ra bài học và kinh nghiệm cho lực lượng Công an Nhân dân của tỉnh là: Muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải “Vì dân và phải dựa vào dân”. Bài học đó đã tổ chức thành công không chỉ trong công tác an ninh, mà còn giúp ông tổ chức an toàn cho cuộc tản cư quy mô hàng ngàn người về Bình Định tháng 6-1946. Bài học ấy cũng đi theo ông không chỉ 30 năm hoạt động trong ngành Công an mà suốt cuộc đời phấn đấu, hy sinh cho Đảng và Tổ quốc.

Năm 1948, ông được điều động phụ trách Công an tỉnh Đak Lak, sau năm 1954 ông ở lại miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ trên nhiều tỉnh nhiều địa bàn và giữ những chức vụ quan trọng: Quyền Bí thư tỉnh Đak Lak; Bí thư tỉnh Quảng Đức; Lâm Đồng (cũ); Khu ủy viên Khu VI (Khu cực Nam Trung bộ). Sau giải phóng (1975), ông tiếp tục công tác trên nhiều cương vị tại Đảng bộ tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Lâm Đồng cho đến ngày nghỉ hưu (1992) và mất năm 2012 tại Đà Lạt. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thay lời kết

Nhớ về ông, xin được mượn lời của ông Nguyễn Khoa-cán bộ lão thành cách mạng: “Cứ mỗi khi nhìn thấy những cây cổ thụ trong các con phố Pleiku, tôi lại nhớ đến hình ảnh anh Thuần ngày nào trên chiến trường Gia Lai đầy khó khăn, nguy hiểm và oanh liệt”.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm