Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đòi lại 4.300 m2 đất tại dự án bị thu hồi ở Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lâm Đồng quyết định thu hồi đất Dự án khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An vì chậm triển khai. Đến nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có đơn kiến nghị xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất 4.300 m 2 sau khi dự án chấm dứt hoạt động.
Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm Cà phê Trung Nguyên Legend chậm tiến độ. Ảnh: Bảo Lâm

Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm Cà phê Trung Nguyên Legend chậm tiến độ. Ảnh: Bảo Lâm

Ngày 11.8, ông Trần Quang Khải - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng - đã ký công văn chuyển đến Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết kiến nghị của Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên).

Trước đó, ngày 31.7, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên - ký đơn kiến nghị gửi tỉnh Lâm Đồng đề nghị “sớm chấp thuận cho Tập đoàn Trung Nguyên được chuyển quyền sử dụng đất sau khi chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm.

Vào tháng 9.2022, tỉnh Lâm Đồng quyết định chấm dứt dự án đầu tư nói trên của Tập đoàn Trung Nguyên. Tỉnh này đã giao huyện Bảo Lâm quản lý diện tích đất sau khi thu hồi đúng quy định.

Đến tháng 5.2023, UBND huyện Bảo Lâm đã báo cáo tỉnh Lâm Đồng xem xét, ban hành quyết định thu hồi diện tích đất Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend và giao về UBND huyện để làm cơ sở quản lý theo quy định.

Trong công văn gửi tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, diện tích đất thực hiện dự án 15.529 m2, trong đó có 11.192 m2 là Tập đoàn Trung Nguyên thuê của nhà nước.

Riêng 4.337 m2, Tập đoàn Trung Nguyên nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH trà Tiến Đạt II theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do tỉnh Lâm Đồng cấp năm 2002.

Đến năm 2017 (tức sau 15 năm kể từ khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ Công ty TNHH Trà Tiến Đạt II), Tập đoàn Trung Nguyên tiến hành lập dự án đầu tư Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An và đưa tài sản công ty là quyền sử dụng đất diện tích 4.337 m2 cùng với phần diện tích đất thuê được từ nhà nước 11.192 m2 để đầu tư thực hiện dự án.

Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, quyền sử dụng đất đối với diện tích 4.337 m2 là tài sản của doanh nghiệp, không thuộc trường hợp “đất” được nhà nước giao, cho thuê.

Do vậy, khi dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động thì Tập đoàn Trung Nguyên được nhận lại tài sản là 4.337 m2 đất và được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác là hoàn toàn thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Từ cơ sở này, Tập đoàn Trung Nguyên kiến nghị tỉnh Lâm Đồng xem xét chấp thuận được nhận lại quyền sử dụng đất diện tích 4.337 m2 tại xã Lộc An và được chuyển nhượng quyền sử dụng đất 4.337 m2 cho nhà đầu tư khác (Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising).

Cũng nói thêm rằng, tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, Tập đoàn Trung Nguyên được tỉnh Lâm Đồng giao 191 ha đất để làm dự án trồng rừng, chăn nuôi heo rừng và du lịch nghỉ dưỡng. Sau gần 10 năm triển khai, dự án không thực hiện như cam kết ban đầu; để rừng bị phá. Đến nay, Tập đoàn Trung Nguyên cũng chính thức xin rút dự án.

Tháng 12.2021, Thanh tra Bộ Kế hoạch Đầu tư có kết luận số 9097/KL-BKHĐT. Đến thời điểm kiểm tra, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên mới hoàn thành các thủ tục pháp lý (ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; kế hoạch bảo vệ môi trường), chưa tiến hành đầu tư xây dựng, chậm tiến độ 4 năm, vi phạm quy định của Luật Đất đai 2013.

Kết quả thanh tra còn phát hiện, hồ sơ dự án, thẩm định, phê duyệt, chủ trương đầu tư dự án của Tập đoàn Trung Nguyên không đảm bảo quy định. Cụ thể, qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu cho thấy, Tập đoàn Trung Nguyên lập hồ sơ dự án đề xuất dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 33 tỉ đồng.

Trong đó, vốn tự có 15 tỉ đồng nhưng không nêu phương thức góp vốn và tiến độ góp vốn; vốn huy động 18 tỉ đồng không phương án huy động (vay từ tổ chức tín dụng....) và tiến độ dự kiến là chưa đúng theo mẫu quy định tại Thông tư 16 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.