Nữ đại gia cưỡi Roll-Roys, bệnh tật phá sản, cuối đời xộ khám

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rao bán tài sản, vướng vòng lao lý, nhiều nữ đại gia cuối đời gặp nạn. Võ Thị Thanh, Hứa Thị Phấn, Phạm Thị Diệu Hiền,... là những cái tên nữ đại gia gặp vận hạn.
Nữ đại gia Phú Yên
Công ty CP Bán đấu giá tài sản Việt Tín (TP Tuy Hòa) mới đây đã có thông báo về việc bán đấu giá 3 tài sản của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên. Giá khởi điểm của 3 tài sản này được đưa ra vào khoảng 650 tỷ đồng.
Khách sạn 5 sao Cendeluxe chỉ là một trong hàng loạt bất động sản thuộc sở hữu của nữ đại gia Võ Thị Thanh, bà chủ Công ty Thuận Thảo, nổi tiếng của tỉnh Phú Yên. Khách sạn 5 sao nổi tiếng nói trên từng thuộc sở hữu của nữ đại gia Võ Thị Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thuận Thảo. Tuy nhiên, do vướng vào những khoản nợ không có khả năng thanh toán nên số tài sản này đã bị Cục Thi hành án dân sự kê biên.
 
Nhiều tài sản, khoản nợ có liên quan tới Công ty Thuận Thảo của nữ doanh nhân này cũng từng được ngân hàng và các công ty đấu giá rao bán. Thuận Thảo từng nổi tiếng trong lĩnh vực vận tải thị trường phía Nam.
Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên từng sở hữu khách sạn 5 sao, siêu thị... tại Phú Yên và là doanh nghiệp đầu tiên sở hữu bến xe khách của cả nước. Tuy nhiên, việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn đã khiến doanh nghiệp của nữ doanh nhân rơi vào khó khăn.
Hứa Thị Phấn bị giữ nguyên án tù 30 năm
Từ năm 2016 đến nay, cái tên Hứa Thị Phấn đã được nhắc tới trong các đại án liên quan đến các ngân hàng như Ngân hàng Xây Dựng, OceanBank. Bà Phấn cũng chính là mắt xích quan trọng giữa thương vụ Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm khiến hai nhân vật này đang phải “bóc lịch” trong tù.
Sau một thời gian lăn lộn trên thương trường, năm 2001, bà Phấn quyết định làm ăn lớn khi bật lên thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.
 
Năm 2006, theo Nghị định 141/2006, các ngân hàng phải có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng mới được phép hoạt động, nếu không sẽ buộc phải sáp nhập hoặc giải thể. Lợi dụng chủ trương này, biết TrustBank chỉ có 1.000 tỷ đồng, đang rất cần tăng vốn, bà Phấn đã dùng nhiều thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn “lấy mỡ nó rán nó” để góp vốn nhằm kiểm soát ngân hàng này.
Chỉ trong vòng ba năm từ 2007-2010, bà Phấn từ một doanh nghiệp mới thành lập được vài năm đã trở thành bà chủ của TrustBank, trở thành nữ đại gia ngàn tỉ, quyền lực.
TAND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bà Phấn 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, đại gia Sáu Phấn phải chấp hành 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.
Đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền
Bà Phạm Thị Diệu Hiền, bà chủ một thời của Bianfishco bắt đầu trở thành tâm điểm của báo chí kể từ khi vung tiền đầu tư nhà xưởng Bianfishco hiện đại hàng đầu thế giới, cùng một Viện nghiên cứu thủy sản tư nhân đầu tiên ở Việt Nam quy tụ nhiều nhà khoa học, lãnh đạo về hưu... vào những năm 2008-2010.
Giữa 2011, bà Diệu Hiền tổ chức khánh thành Nhà máy Sản xuất nước uống Collagen Bình An với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD cũng thuộc top đầu khu vực và thế giới.
Đang lúc tưởng như mọi thứ lên mây thì Bianfishco lộ diện nợ hàng nghìn tỷ đồng, riêng nợ nông dân nuôi cá đã 200 tỷ đồng cùng nhiều dự án BĐS đóng băng khi thị trường xuống đáy.
 
Hàng loạt các dự án khổng lồ không hoặc chưa mang lại nguồn thu, những dự án "bánh vẽ", dự án BĐS và khu du lịch sinh thái dang dở... có lẽ đã chôn không biết bao nhiều tiền vốn và tiền vay của bà Diệu Hiền, dẫn tới sự xuống dốc, nợ nần và mất thanh khoản của Bianfishco. Nợ lớn được khoanh lãi, DN được chuyển quyền sở hữu sang cho chủ nợ,... vợ chồng bà Diệu Hiền quay sang đầu tư vào DN thủy sản khác - Phương Nam và phát triển du lịch.
Sau thời gian trị bệnh thành công đã lui về vườn trong một khu du lịch sinh thái để nghỉ dưỡng và vui vẻ bên con cháu, cùng chồng gỡ dần khó khăn cho các dự án còn lại của gia đình.
Dương Thị Bạch Diệp
Bà Dương Thị Bạch Diệp là Giám đốc Công ty bất động sản Diệp Bạch Dương. Nữ doanh nhân gốc Quy Nhơn này là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty cùng tên.
Đầu năm 2008, bà Diệp gây xôn xao khi nhập khẩu chính hãng chiếc Rolls-Royce Phantom màu lục với giá trị lên tới 2,3 triệu USD, trong đó giá gốc là 1 triệu USD và thuế, phí là 1,3 triệu USD.
 
Trong giai đoạn 2012 đến nay, trong khi nhiều "đại gia" bất động sản khác ghi nhận những bước tiến lớn, công ty Diệp Bạch Dương và bà chủ Dương Thị Bạch Diệp lại được đề cập xoay quanh các khoản nợ ngân hàng lên đến cả nghìn tỷ đồng, nợ thuế và các hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho các đối tác khác.
Vào năm 2014, thông tin về khoản dư nợ “khủng” của Diệp Bạch Dương có giá trị lên tới hơn 3.700 tỷ đồng (nợ gốc: 2.967,7 tỷ đồng, nợ lãi: 732,3 tỷ đồng) tại Chi nhánh TP.HCM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã gây nhiều sự chú ý của giới truyền thông.
Mới đây, bà Bạch Diệp cùng nhiều cựu lãnh đạo TP.HCM đã bị bắt. Bà bị cáo buộc lừa đảo liên quan ngân hàng Agribank, hoán đổi tái sản công tại Sở Văn Hóa.
Dân trí (Theo: Đông Sơn/Vietnamnet) 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.