Nụ cười Ia H’Drai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Như bao người, khi chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của Ia H’Drai, tôi đã đi từ ngạc nhiên, bất ngờ đến khâm phục những con người luôn nở nụ cười hiền hậu nơi đây.

Đã lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại Ia H’Drai (Kon Tum)-miền biên viễn “nổi danh” với khí hậu khắc nghiệt và đại ngàn hoang vu. Vẫn cung đường ấy, vốn đã quen đến từng ổ gà, vẫn vùng đất ấy, vốn đã quen đến từng nếp nhà, mà tôi bỡ ngỡ như người lần đầu đặt chân đến.

Bởi vì anh quên Ia H’Drai rồi đấy mà-Chủ tịch UBND huyện Võ Anh Tuấn trách khéo khi tôi kể về cảm giác của mình. Nhưng tôi thì biết rất rõ, sự bỡ ngỡ ấy bắt nguồn từ diện mạo mới của vùng đất biên cương.

Đây này, những con đường, những ngôi nhà, những vườn cây, rẫy cà phê đều ngời sức sống, ngời khát vọng vươn lên mà chỉ có đến tận nơi ta mới cảm nhận được.

Đồng chí chủ tịch ạ, tôi làm sao quên được quá trình đánh thức vùng biên viễn xa xôi nhưng giàu tiềm năng phát triển cây công nghiệp, năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió) này.

Quá trình ấy bắt đầu từ tháng 12/2013, khi một phần diện tích và dân số của xã Mô Rai được tách ra để thành lập 3 xã Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi.

Mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Ia H'Drai. Ảnh: HL

Mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Ia H'Drai. Ảnh: HL

Ngày 11/3/2015, lịch sử vùng đất này sang trang mới, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 890/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy, Kon Tum để thành lập huyện Ia H’Drai.

Là người gắn bó với Ia H’Drai từ những ngày đầu thành lập, tôi nhớ như in những lần chật vật vượt Quốc lộ 14C để vào Ia H’Drai, với dốc cao thăm thẳm, mưa xuống là lầy lội, vào không dễ mà ra lại càng khó, nắng lên thì đỏ quạch bụi, người và đất oằn mình trong hừng hực gió.

Nhớ những lần đi tuyên truyền bảo vệ rừng, chiếc xe máy bê bết bùn đất. Lốp xe phải luôn được quấn dây xích để chống trơn trượt khi đi trên bờ suối, đường rừng.

Nhớ những lần đi bộ xuống điểm dân cư, có nơi cách trung tâm xã vài chục km, toàn đường mòn, chạy hun hút trong rừng. Thi thoảng nhìn thấy bóng người với nụ cười ướt nước mưa, lẫn trong bùn đất dính khắp mặt mày.

Đêm về, ngồi bên đống lửa xua muỗi, mọi người lại chất chứa trong lòng bao lo toan. Ngay cả người lạc quan nhất cũng chẳng mơ đến cái ngày vùng biên viễn này “lột xác”. Không ít người đã nao núng, bỏ vườn cao su nhận khoán và căn nhà tạm, dắt díu vợ con về quê.

Nhưng cây dựa vào cây, bật mầm, vươn lá; người dựa vào người, ấm áp, nghĩa tình. Những người ở lại kiên trì, nỗ lực đem ý chí và sức lực làm thay đổi vùng đất hoang vu, xua đi giá lạnh của núi rừng, đánh thức dải đất biên cương.

Nhắc lại chuyện cũ để thấy được sự chuyển động mạnh mẽ của vùng đất này sau 9 năm thành lập. Trong lần trở lại này, với tôi, khung cảnh vùng biên thay đổi nhiều rồi. Hay nói như bạn đồng nghiệp, Ia H’Drai đã chuyển mình, bộn bề và tất bật, hồ hởi và vững vàng, mạnh mẽ.

Sự chuyển mình ấy bắt đầu từ những mái nhà lụp xụp như túp lều ven lô cao su, đêm về muỗi bay như trấu được thay bằng những nhà xây, mái lợp tôn xanh đỏ, bờ rào vươn lên những chùm hoa giấy.

Từ những chuyến xe xuôi ngược tấp nập trên đường; những quán tạp hóa bán đủ mặt hàng. Nhiều khu vực dân cư mới được hình thành với nhà cửa khang trang, tạo nên sức sống mới của vùng biên.

Mạng lưới điện - đường - trường - trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu; thương mại dịch vụ phát triển. Khu trung tâm huyện được đầu tư, mang dáng dấp đô thị vùng biên với nhiều công trình kiến trúc đẹp, hiện đại. Nhiều khu dân cư được hình thành với nhà cửa khang trang, tạo nên sức sống mới ở vùng biên.

Lãnh đạo huyện Ia H’Drai thăm gương công nhân sản xuất giỏi. Ảnh: H.L

Lãnh đạo huyện Ia H’Drai thăm gương công nhân sản xuất giỏi. Ảnh: H.L

Đây nữa, sự đổi thay cũng hiện rõ ở từng mái nhà, trong mỗi bữa ăn. Còn nhớ, trong chuyến công tác cuối năm 2015, tức là khoảng 9 tháng sau khi huyện thành lập, tôi được anh Lê Văn Hào (thôn 3, xã Ia Đal) “chiêu đãi” bữa cơm với rau rừng, cá khô trong căn nhà lá lụp xụp nép bên rừng le.

Còn lần này, anh đón tôi trong ngôi nhà khang trang, bề thế. Mâm cơm thịnh soạn với gà bắt trong vườn, cá đánh dưới ao, rau xanh hái cạnh suối, được chế biến bởi những đôi tay khéo léo của những phụ nữ Thái nên bắt mắt và dậy hương.

Năm 2023 tiếp tục là một năm thành công của Ia H’Drai khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định; giá trị và tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực thương mại - dịch vụ có bước tiến vững chắc. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đạt 80 tỷ triệu đồng, đạt 118,34% dự toán tỉnh giao, đạt 114,29% dự toán huyện giao.

Nghe đến con số này, tôi nhớ lại năm 2017, khi biết thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 20,35 tỷ đồng, tôi và anh Nguyễn Tiến Dũng- Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện lúc bấy giờ (nay là Phó Chủ tịch UBND huyện) đã ôm chầm lấy nhau vì vui mừng.

Con số trên, nếu đem đặt lên bàn cân mà so đo hơn thua với các địa phương khác thì chẳng “nhằm nhò” gì, nhưng đặt vào điều kiện huyện biên giới mới chia tách, đất rộng người thưa, kinh doanh chưa phát triển thì rõ ràng là một kết quả đáng ghi nhận, nó cho thấy sự nỗ lực lớn lao.

Môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm cải thiện, với khâu đột phá là cải cách hành chính và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) được chú trọng. Huyện thường xuyên rà soát dự án thu hút đầu tư; phối hợp các sở, ngành tháo gỡ những khó khăn, bất cập về đất đai trong thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Các chương trình MTQG được triển khai có hiệu quả. Trong đó, xây dựng nông thôn mới đã đạt được những bước tiến quan trọng với 2 xã Ia Dom và Ia Đal đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,71% so với năm 2022.

Lĩnh vực giáo dục có bước phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ học sinh các bậc học đến lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 100%, chất lượng học tập của học sinh đảm bảo yêu cầu.

Hệ thống cơ sở y tế đi vào hoạt động ổn định. Các trạm y tế xã được đầu tư xây dựng xong, góp phần phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Trước khi rời Ia H’Drai, tôi dừng chân ở quán tạp hóa gần ngã ba từ Quốc lộ 14C rẽ vào làng chài Sê San 4. Những ngày tháng 3, nắng cứ vàng quánh lại, làm săn da mặt, và trong hơi thở thoang thoảng hương vị của các loài thảo mộc.

Thỉnh thoảng, những chàng trai, cô gái người Thái, Mường, Xơ Đăng, Gia Rai mặc đồng phục công nhân cao su ghé vào mua hàng, thấy khách thì nở nụ cười ấm áp và chân thành.

Tôi đi dưới miên man rừng cao su mà tâm trí cứ để mãi ở nơi cô công nhân có nụ cười tỏa sáng lúc nãy. Cũng như bao người, khi chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của vùng biên, tôi đã đi từ ngạc nhiên, bất ngờ đến khâm phục những người luôn nở nụ cười hiền hậu ấy.

Với đôi bàn tay và lòng quyết tâm, họ đã làm nên một huyền thoại mới ca ngợi sức lực, ý chí của con người nơi biên viễn.

Có thể bạn quan tâm