Nông nghiệp Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu- Bài 1: Thời tiết ngày càng cực đoan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đã hiện diện trên mọi mặt đời sống tại khu vực Tây Nguyên với sự xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như: hạn hán kéo dài và mưa lớn bất thường.
Thời tiết ngày càng cực đoan
Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản xuất trồng trọt với các cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cao su… Tuy nhiên, với tác động của biến đổi khí hậu cùng nhiều nguyên nhân khách quan khiến các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, các loại cây ăn quả... phát triển thiếu bền vững.
 
Người dân thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk phải dùng máy bơm hút những vũng nước còn lại tại hồ Ea Kpal để chống hạn cứu lúa. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây, người dân Đắk Lắk đã thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu lên lĩnh vực trồng trọt. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, mưa lớn bất thường đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều diện tích cây trồng, đặc biệt các cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê... Thậm chí, cùng một thời điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận cả hai hình thái thời tiết là mưa lũ và hạn hán.
Điển hình cho kiểu thời tiết bất thường tại Đắk Lắk là vào đầu tháng 8/2019, trong khi các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana, Lắk phải trải qua đợt mưa lũ lịch sử thì tại huyện M’Đrắk, Ea Kar lại diễn ra hạn hán kéo dài gây thiệt hại nặng nề. Chỉ riêng đợt mưa lũ và hạn hán đầu tháng 8/2019 đã làm 16.163 ha cây trồng các loại bị ngập úng, hơn 1.000 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, có những diện tích cây trồng bị cháy khô do không tìm được nguồn nước tưới, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng đối với ngành trồng trọt Đắk Lắk.
Chị Phan Thị Thành, thôn 18, xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk cho biết, ngay trong mùa mưa của tỉnh Đắk Lắk thì nông dân huyện M’Đrắk vẫn phải gồng mình tìm kiếm nguồn nước chống hạn, cứu cây trồng. Mặc dù những năm trước đã xảy ra tình trạng hạn hán giữa mùa mưa, nhưng năm 2019 tình trạng này trở nên khắc nghiệt hơn. Nhiều tháng liền không có mưa, các hồ đập cũng cạn kiệt nước, nông dân đành bất lực đứng nhìn nhiều diện tích lúa nước chết khô giữa nắng hạn.
Ông Y’ Bhung Ayun, buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và tác động trực tiếp đến sản xuất cây trồng của nông dân. Gia đình có hơn 1.000 trụ hồ tiêu kinh doanh, năm 2018 thời tiết mưa nắng thất thường khiến toàn bộ diện tích tiêu đang chuẩn bị thu hoạch lại bung hoa trái mùa, đến năm niên vụ 2019, hồ tiêu chỉ lên đọt mà không bung nhiều hoa như các năm trước làm giảm năng suất. Theo ông Y’ Bhung Ayun, sự bất thường của thời tiết dẫn quá trình sinh trưởng của cây trồng không theo quy luật bình thường, điều này gây nhiều bỡ ngỡ và khó khăn cho nông dân trong quá trình canh tác.
 
Nhiều diện tích lúa tại xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk bị chết khô do hạn hán kéo dài. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Mùa mưa năm 2018, nhiều nông dân tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đứng ngồi không yên vì ngày nào trời cũng mưa. Nông dân lo lắng việc lượng mưa lớn và kéo dài trong điều kiện địa hình phức tạp, đồi dốc nhiều sẽ dẫn tới ngập úng, làm quá trình sinh trưởng của cây tiêu bị đảo lộn, phát sinh nhiều dịch bệnh khó xử lý.
Trên thực tế, hậu quả mà đợt mưa kéo dài nhiều tháng lại nặng nề hơn những gì nông dân trồng tiêu tại Đắk Song cũng như tỉnh Đắk Nông định liệu. Khoảng tháng 11 - 12, khi bắt đầu dứt mưa và bước vào mùa khô, hàng loạt vườn tiêu đã chết trụi chỉ trong vài tuần. Và giấc mộng tỉ phú nhờ loại nông sản được mệnh danh là “vàng đen” của hàng nghìn nông dân tan tành, chỉ còn lại những khoản nợ tiền tỉ không biết lấy đâu ra để trả. Những vấn đề xung quanh ngành hồ tiêu có thể là một minh chứng rõ nét nhất về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của mỗi nông dân tại Đắk Nông hiện nay.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song cho biết, mùa mưa năm 2018 kéo dài kỷ lục. Tại một số khu vực, nông dân ghi nhận suốt 4 tháng ròng rã ngày nào trời cũng mưa. Chính việc mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng và khiến nhiều diện tích tiêu chết dần chết mòn. Thêm vào đó là việc nông dân xử lý phân bón không đúng cách, dẫn tới mầm bệnh lây lan mạnh trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Phụ trách Phòng dự báo khí tượng thủy văn, Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, Tây Nguyên là khu vực có mức tăng nhiệt độ khá lớn, lượng mưa hàng năm có xu hướng giảm. Đối với khu vực Tây Nguyên, tình trạng hạn hán trong mùa khô ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan có thể xảy ra bất cứ lúc nào, điển hình như đợt mưa lớn tại một số tỉnh vào đầu tháng 8/2019, hay tình trạng hạn hán kéo dài trong mùa khô năm 2016; một số nơi có số ngày mưa nhiều hơn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Thách thức đối với ngành nông nghiệp vùng Tây Nguyên
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, mưa cường độ cao đều gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển cũng như tính năng ra hoa, đậu quả của tất cả các loại cây trồng.
Ảnh hưởng rõ nét nhất là hiện tượng mùa mưa kết thúc sớm, kết hợp với các cơn mưa muộn làm cho cây cà phê nở hoa sớm và không tập trung ảnh hưởng đến năng suất; mùa khô thì kéo dài. Chẳng hạn, mùa khô năm 2016 -2017, theo thống kê sơ bộ, diện tích cà phê không có nước tưới lên tới 100 nghìn héc ta, nghiêm trọng nhất là Đắk Lắk và Gia Lai với hơn 40% diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi thiếu nước tưới. Đối với cây hồ tiêu, tuy mức độ ảnh hưởng được đánh giá ít nghiêm trọng hơn do đặc điểm mùa vụ khác so với cà phê nhưng hạn hán kéo dài và thiếu nước tưới cũng ảnh hưởng đến năng suất vườn cây.
Ngoài ra, việc mưa quá nhiều trong một giai đoạn ngắn cũng là nguyên nhân chính cho việc phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm như chết nhanh, chết chậm ở cây hồ tiêu. Đối với cây cà phê và cây điều, việc gia tăng nhiệt độ cực đoan trong mùa khô cũng làm ảnh hưởng đến khả năng thụ phấn, thụ tinh và đậu quả. 
Theo Tiến sĩ Phan Việt Hà, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, biến đổi khí hậu còn làm suy thoái tài nguyên đất và nước, giảm hiệu quả sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động. Điển hình như các hiện tượng hoa nở trái mùa trên trên cây hồ tiêu, cà phê hay mưa lớn bất thường gây rụng hoa trên cây bơ, sầu riêng đang dần phổ biến, thậm chí trên các cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk như cà phê, hồ tiêu trong thời kỳ thu đang thu hoạch, hoa lại bung nở.
Các hiện tượng này không chỉ gây thiệt hại kinh tế trước mắt mà còn gây khó khăn cho người nông dân trong quá trình chăm sóc cây trồng. Bên cạnh đó, vào mùa khô nguồn nước tưới phục vụ cho cây trồng ngày càng khó khăn khi mực nước ngầm của khu vực Tây Nguyên đang hạ thấp bởi nhiều lý do khác nhau, điều này cũng tác động không nhỏ đến các loại cây trồng.
Theo ông Vũ Đức Côn, những thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề. Nguy hiểm hơn, về lâu dài, biến đổi khí hậu có thể phá vỡ quy luật phát triển của các loại cây trồng đã hình thành tại Đắk Lắk. Thực tế cho thấy, khoảng 3 năm trở lại đây, hiện tượng cà phê, hồ tiêu ra hoa trái mùa tại một số vùng trồng ngày càng phổ biến, nguyên nhân chính là do thời tiết mưa, nắng thất thường, không theo quy luật thông thường như trước đây.
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên đang phải đối diện với nhiều vấn đề như giá cả bấp bênh, giá nhân công và vật tư đầu vào tăng, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đối khí hậu các điều kiện khí hậu khắc nghiệt gia tăng trong mùa khô đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp bền vững vùng Tây Nguyên, nhất là đối với các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, cây ăn trái, các loại cây trồng khác...
Có thể thấy, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề cho ngành trồng trọt, phá vỡ quy luật phát triển của cây trồng trong khu vực. Thực tế trên đòi hỏi chính quyền địa phương, các sở, ngành cần phải làm tốt công tác dự báo, đồng thời hỗ trợ người dân thay đổi cách thức sản xuất, tìm hướng đi phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bài 2: Phát triển kinh tế nông lâm kết hợp
Nhóm PV TTXVN khu vực Tây Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.