Nông dân trồng rau sạch hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyển đổi cây trồng theo hướng bền vững, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao đó là một trong những hướng đi mới được rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê, Gia Lai đang thực hiện trong thời gian qua. Điển hình như mô hình trồng rau sạch hữu cơ trong vườn tiêu bị bệnh chết của ông Trần Nghĩa, thôn 3, xã Ia Hlốp thời gian qua mang lại một nguồn thu nhập ổn định.
 
Ông Trần Nghĩa đang chăm sóc vườn đậu cô ve. Ảnh: H.V
Nhận thấy trong thời gian gần đây mặc dù giá cả từ sản phẩm rau sạch có cao hơn các sản phẩm thông thường, nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Bên cạnh đó, việc trồng rau sạch hữu cơ còn mang lại nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hộ nông dân. Hướng tới việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm rau sạch của gia đình, sau bao suy nghĩ, đắn đo tìm cây trồng gì để thay thế cho diện tích đất trồng hồ tiêu bị bệnh chết. Sau một khoảng thời gian dài tìm hiểu kiến thức từ sách báo, truyền hình kết hợp những chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng rau sạch đã thành công trên địa bàn tỉnh Gia Lai. 
Đầu tháng 6-2017, ông Trần Nghĩa, thôn 3, xã Ia Hlốp đã mạnh dạn cày xới 5.000 m2 đất đầu tư làm hệ thống nước tưới nhỏ giọt, mua sắm vật tư đầu vào, hạt giống… tiến hành trồng các loại rau màu như: mướp đắng, dưa leo, đậu cô ve, bí, bầu canh… Qua hơn 7 tháng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tích lũy kỹ thuật cũng như tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, đến nay vườn rau của gia đình ông đã cho thu hoạch với sản lượng cao, được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh, ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng sử dụng sản phẩm rau sạch của gia đình ông. Ông Nghĩa-thôn 3 xã Ia Hlốp chia sẻ: “Trong quá trình trồng tiêu, thì tiêu chết; tôi cũng đi tìm hiểu mô hình trồng rau sạch áp dụng phương pháp lấy ngắn, nuôi dài để có thu nhập cho gia đình, từ tháng 6 đến bây giờ tôi có thu nhập hàng ngày. Quá trình thử nghiệm tôi thấy có hiệu quả nên tôi trồng tiếp”.
Cũng theo ông Nghĩa, để trồng các loại rau màu trong vườn cây hồ tiêu đã bị chết cũng không quá khó, quan trọng nhất là khâu cày bừa, xới cho đất tơi xốp và tiến hành bón vôi để khử độ chua của đất. Đến ngày xuống giống bón lót phân chuồng đã ủ hoai mục trước đó và gieo hạt. Bên cạnh đó tùy theo từng loại rau màu mà có kỹ thuật lên luống có độ cao, rộng khác nhau để phù hợp với sự sinh trưởng của cây trồng nhất là tạo điều kiện cho rễ phát triển tốt, đất được thoát nước và khâu chăm sóc được dễ dàng hơn. Ông Nghĩa cho biết thêm: “Về kỹ thuật trồng với lại bón phân tôi dùng bánh dầu đậu nành ngâm tôi tưới, với một số loại vi sinh hưu cơ, phân dê đã ủ và đảo đất tôi trồng. quá trình một thời gian khi cây sinh trưởng tôi chỉ dùng phân vi lượng sinh học để bón, để xua đuổi côn trùng tôi dùng nước ớt ngâm với tỏi, gừng, rượu phun đuổi; một thời gian tôi thấy rất hiệu quả, tôi vẫn làm tiếp cách xử lý phun thuốc, còn không dùng thuốc sâu. Hiện nay mô hình của tôi trồng nhiều loại rau, củ, quả, mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 2 tấn giá bán tùy thuộc vào thị trường nếu cao thì thu được 20 triệu đồng còn thấp thì được 15 triệu đồng; thị trường tiêu thụ hiện nay vẫn nhập tại huyện Chư Sê, còn khi thu nhiều tôi xuất đi TP. Hồ Chí Minh”.
Ngoài việc đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh phun tưới các chế phẩm sinh học tự chế, người trồng rau còn sử dụng bẫy bắt côn trùng, đảm bảo an toàn cho vườn rau. Chia sẻ cơ duyên trồng mô hình rau sạch, ông Trần Nghĩa luôn mong muốn giúp mọi người khỏe cả thể chất lẫn tinh thần nhờ có rau sạch, an toàn. Với phương châm: "Ngon chưa đủ, phải sạch mới ăn”.
Bên cạnh việc chú trọng trồng các loại rau màu ngắn ngày cho năng suất cao như: dưa leo, đậu cô ve… ông Nghĩa còn tận dụng những trụ tiêu để làm giàn trồng thêm cây chanh dây leo vừa có thêm một nguồn thu nhập lại vừa che mát cho vườn rau. Ngoài ra ông còn tự tìm tòi học hỏi kỹ thuật ươm cây giống nhằm phục vụ cho quá trình phát triển vườn rau, củ qủa đa dạng hơn, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản phẩm. Hiện nay sản phẩm rau sạch của ông bán ra được thị trường rất ưa chuộng các thương lái đến tận vườn để thu mua. Trung bình một tháng gia đình ông Nghĩa bán được trên 2 tấn rau quả các loại, trừ các khoản chi phí cũng lãi trên 10 triệu đồng/tháng. Ông Nghĩa cho biết thêm sẽ đầu tư mở rộng diện tích trồng rau sạch lên 8 sào để tăng sản lượng cung cấp cho thị trường, nhất là nhu cầu rau sạch tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Nói về mô hình trồng rau sạch của Trần Nghĩa, ông Nguyễn Văn Hộ-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp cho biết: “Ông Trần Nghĩa là hội viên nông dân cần cù sáng tạo, sản xuất giỏi... Vừa qua gia đình ông nghĩa đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng tiêu sang trồng rau an toàn, đưa vào trồng các loại rau, mướp đắng, cải ngọt, cà chua, ớt… nói chung là đủ loại, qua trao đổi thì ông cho biết tất cả đều sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học tự chế để chăm sóc và xua đuổi côn trùng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tới đây, Hội Nông dân xã sẽ giới thiệu cho anh một công ty về sinh học và phân vi sinh hữu cơ để giúp ông làm đạt hiệu quả hơn. Ông Nghĩa là một nông dân biết phát huy diện tích đất của mình làm ra sản phẩm tăng thu nhập và tạo việc làm cho gia đình và người dân. Thưa với bà con, nếu mô hình này tiếp tục duy trì và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế thì Hội sẽ làm các thủ tục báo cáo Đảng ủy, UBND xã Ia Hlốp xem xét tạo điều kiện để xã có được thương hiệu sản phẩm rau an toàn”. 
Với hiệu quả từ mô hình trồng rau sạch theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nghĩa, thôn 3, xã Ia Hlốp. Hy vọng rằng trong thời gian tới đây sẽ là một trong những mô hình hay được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê đến tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện trồng rau sạch để giúp cho người tiêu dùng có một sản phẩm sạch cho mỗi bữa ăn hàng ngày. Đồng thời qua đó góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương giải quyết hiệu quả bài toán việc làm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hoàng Viên

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.