Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay với lĩnh vực không khuyến khích.
Bà Nguyễn Thị Hồng- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết như trên tại buổi họp báo chiều 27-12, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2012 và định hướng chính sách năm 2013.
Ngày 13-2-2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01, quy định tỷ trọng tín dụng phi sản xuất gồm cho vay chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng bị kiểm soát tối đa ở 16% tổng dư nợ của tổ chức tín dụng.
Theo thống kê mới nhất, đến ngày 20-12-2012, tín dụng tăng 6,45% so với cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VND tăng 8,92% tín dụng bằng ngoại tệ giảm 3,51% (phù hợp chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ). Tín dụng đối với xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, tỷ trọng dự nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm so với cuối năm 2011.
Trong năm 2013, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%. Ngân hàng Nhà nước sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay với lĩnh vực không khuyến khích, song sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả.
NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm đối tượng ưu tiên bổ sung trong năm 2013 là những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong năm 2012, tín dụng tăng truởng thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo huớng tích cực, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Năm 2009, tăng trưởng tín dụng là 37,73% thì GDP tăng 5,3%; năm 2010, tăng trưởng tín dụng là 27,65%, GDP tăng 6,78%. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng thấp chỉ khoảng 6,45% nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,03%,chứng tỏ hiệu quả vốn tín dụng đã tăng cao hơn nhiều, nguồn vốn dồn vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn so với các năm trước.
Trước một số ý kiến cho rằng, hệ thống tín dụng có dấu hiệu bị “chững lại”, luồng vốn cho doanh nghiệp bị tắc nghẽn, Thống đốc khẳng định, thị trường tiền tệ là nơi luân chuyển vốn ngắn hạn nhàn rỗi, còn các doanh nghiệp cần “làm quen” với việc dựa vào nguồn vốn dài hạn trên thị trường vốn.
Tỷ trọng vốn dành cho tín dụng của ngân hàng Việt Nam quá cao trên 80% trong khi ở các ngân hàng quốc tế chỉ 40% do đó, việc giảm kinh doanh tín dụng, đầu tư của các ngân hàng là phù hợp xu thế. Ngân hàng có thể thực hiện đầu tư vào các giấy tờ có giá, rủi ro thấp như trái phiếu Chính phủ…
Theo Chinhphu.vn