Nơi ấy là Kon Mahar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi chạm vào làng Kon Mahar (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) trong một buổi luênh loang gió cùng trận mưa rừng dài thăm thẳm ẩn hiện dưới đôi mắt nâu dìu vợi của một miền mơ tưởng xưa, trong tiếng chiêng ngân dài như đất trời.
Mưa rơi tí tách trên những mái tranh, trượt trôi trên những mái nhà sàn ở làng Kon Mahar. Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống phía làng, chỉ ít phút trước thôi, đâu đó trên khắp nẻo mặt trời còn hửng chiếu tia nắng vàng ruộm rải đều hai bên đường. Ấy vậy mà chớp mắt, nắng đã vội lẩn vào mây, trốn vào không trung trong sự tiếc nuối của ngày.
Dạo quanh làng, hòa vào giai ngân của gió, thình lình ùa vào mắt những cuồn cuộn mây, tôi đã gặp cái se se lạnh hắt ra từ rừng núi. Trên nền trời xanh thắm, những đám mây bềnh bồng vời vợi đang dạo chơi đủng đỉnh rồi bất ngờ đậu đáp ngay trên những tán cây cổ thụ đầu làng.
Để đến được làng phải qua rất nhiều đoạn ven rừng với hai bên đường rợp vòm xanh bóng mát trải dài khắp núi đồi, qua đôi ba khúc cua tay áo, nhiều hơn là những nương rẫy, lúa đương độ chín rộ vàng óng ả. Những bông lúa trĩu hạt, no tròn đong đưa, à ơi nắng gió, nối liền nhau trên sườn đồi đẹp tựa bức tranh.
Bây giờ, mô hình trồng lúa nước đã dần thay thế nhưng người Bahnar nơi đây vẫn gieo trồng lúa rẫy vì đó không chỉ là công việc duy trì một hình thức sản xuất lâu đời của tổ tiên để lại mà còn là cách giữ gìn, trân quý nét văn hóa nông nghiệp.
Sân nhà thờ là điểm vui chơi của lũ trẻ và cũng là nơi du khách chụp hình mỗi khi đến làng Kon Mahar. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm
Sân nhà thờ là điểm vui chơi của lũ trẻ và cũng là nơi du khách chụp hình mỗi khi đến làng Kon Mahar. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm
Làng hiện ra dưới những bụi cây le rậm rạp xanh ngút ngát. Tuy cuối mùa nhưng những búp măng vẫn tua tủa vươn lên. Chúng đã chờ ngày, chờ tháng, chỉ cần nghe thấy tiếng mưa rơi là đồng loạt thức dậy, cựa mình dưới tầng tầng lớp lớp đất đỏ đầy lá khô và bụi mờ để tìm ánh sáng và nước mát của đất trời. Nhà trong làng vì thế cũng được dựng lên gần đó, ở ngay ven đường, lưng dựa vào rừng, mặt nhà hướng vào trung tâm, trái tim của làng.
Kon Mahar từ thuở lập làng cho đến nay vẫn nguyên dấu tích quần cư ẩn hiện bên những nóc nhà luôn hướng chụm về nhau như “gà con quây quần bên mẹ”. Những ngôi nhà được dựng lên từ sự chăm chút, tỉ mỉ trải qua nhiều công đoạn hoàn toàn thủ công với mái lợp tranh, tường trát bằng đất sét trộn rơm hoặc vách hoàn toàn bằng những song tre, nứa. Thấp thoáng hiên nhà, những cánh hoa bươm bướm dập dờn, đong đưa trong nắng sớm càng tô thêm nét thanh bình của một ngôi làng Bahnar thuần khiết.     
Ghé thăm nhà thờ Kon Mahar sẽ thấy một phần của làng hiện hữu ở từng góc nhỏ. Góc trái nhà thờ là mô hình nhà rông như một cách nhắc nhớ về nguồn cội, về sức mạnh đoàn kết của cộng đồng.
Vì là điểm sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc bản địa nên mặt bên ngoài và bên trong giáo đường được trang trí hoa văn, họa tiết mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Những ngày nắng vàng trải dài ánh lên màu gỗ đỏ như càng tô thêm sắc thắm, rạng rỡ dưới nền trời xanh thẳm.
Chẳng may mưa bất chợt đến, người ngồi dưới những bậc thềm nghĩ ngợi xa xăm, thấy mình sao nhỏ bé giữa không gian bình yên đến lạ. Đến độ, nghe được cả tiếng bước chân khe khẽ của thời gian đang đi qua hay tiếng lòng mình vọng lại. Rồi cảm nhận rõ hơn vẻ uy nghi và thiêng liêng của ngôi nhà thờ được xây dựng cách đây non thế kỷ (năm 1930) vẫn vững vàng trước những thử thách của thời gian.
Phía sau nhà thờ là điểm trường mẫu giáo. Ngay sát đó, nhiều ngôi nhà của giáo dân sinh sống, cùng sinh hoạt trong không gian chung của nhà thờ. Sân nhà thờ là điểm vui chơi chính của lũ trẻ trong làng.
Trong từng cung bậc cảm xúc ở đây, nếu muốn chạm vào phải nghe được tiếng gió reo, hiểu được ngôn ngữ của đất, đôi mắt phải thấy được sự lớn lên của cây rừng, trái tim phải hòa vào cùng dòng chảy của triền suối. Chạm vào đâu cũng thấy cảm xúc, chạm vào đâu cũng thấy mảnh đất này huyền diệu đến lạ kỳ.
Đôi khi, tôi luôn tự hỏi điều gì ở ngôi làng Kon Mahar ấy trở nên cuốn hút đến vậy? Nhịp sống hầu như tách bạch khỏi dòng chảy đô thị ư, con người dường như sống khác biệt với chốn lao xao ngoài kia chăng? Và tôi đã đi tìm, trong bời bời xúc cảm. Đến một lần lại mong có những chuyến về làng tiếp sau. Cũng bởi, nơi ấy là Kon Mahar…
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.