Nỗ lực giúp dân thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để giúp các hộ dân người Bahnar trên địa bàn thoát nghèo, năm 2015, Huyện ủy Kbang đã phân công các tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị phụ trách từng hộ nghèo tại những làng đặc biệt khó khăn. Nhờ sự giúp sức này, xã Nghĩa An đã hoàn thành tiêu chí về nhà ở và hộ nghèo để về đích xã nông thôn mới năm 2017.

Những ngôi nhà đoàn kết

Dẫn P.V tham quan căn nhà đang xây, chị Đinh Thị Ngoại (làng Lợt, xã Nghĩa An) không giấu nổi niềm vui. Chị Ngoại cho biết, nếu không được UBND xã hỗ trợ cát, đá, gạch; bộ đội, dân quân, thanh niên giúp đỡ ngày công xây dựng thì không biết bao giờ gia đình chị xây được ngôi nhà mới này. “Vợ chồng tôi rất vui mừng vì có nằm mơ cũng không nghĩ đến việc có nhà mới”. Căn nhà của gia đình chị Ngoại có diện tích khoảng 70 m2, gồm phòng khách, 2 phòng ngủ và bếp.

 

Lực lượng bộ đội, dân quân giúp dân ngày công để xóa nhà tạm, xây nhà mới. Ảnh: M.T
Lực lượng bộ đội, dân quân giúp dân ngày công để xóa nhà tạm, xây nhà mới. Ảnh: M.T

Tương tự, gia đình anh Đinh Văn Tông (cùng làng) cũng được Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện hỗ trợ 4,5 tấn xi măng, UBND xã Nghĩa An giúp vật liệu, ngày công để xây nhà. Anh Tông cho biết, với thu nhập chỉ trông vào 7 sào mía, nếu không có sự giúp đỡ trên thì không biết bao giờ gia đình anh mới có được ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp như hôm nay. Căn nhà mới của gia đình anh Tông có diện tích gần 50 m2, được xây ngay bên cạnh ngôi nhà sàn cũ nát, xập xệ trước đây.

Theo ông Võ Văn Hải-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An: Cuối năm 2016, qua rà soát, xã có 25 hộ nghèo đang phải ở trong những căn nhà tạm bợ, dột nát. Xác định giúp các hộ nghèo này xóa nhà ở tạm bợ là nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành tiêu chí về nhà ở, xã đã phân công 27 cán bộ, công chức tham gia thực hiện. Đồng thời, tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện; các nguồn quỹ nhân ái, vì người nghèo; huy động ngày lương từ cán bộ, công chức xã; vận động nguồn hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp (ủng hộ xi măng, cát, đá); huy động lực lượng tân binh của Sư đoàn 2, dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ, công chức xã tham gia xây dựng, sửa chữa nhà ở và các công trình khác cho các hộ này.

Tổng hợp các nguồn lực trên, xã chủ trương tổ chức mua vật liệu tập trung, cấp đến từng hộ xây dựng nhà ở. Ông Hải cho biết, đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành việc xây mới 20/25 căn nhà; tổ chức di chuyển, sửa chữa 12 nhà để các hộ nghèo có cuộc sống tốt hơn. “Việc hỗ trợ thiết thực của các tổ chức, đoàn thể được phân công kết nghĩa đã giúp xã hoàn thành tiêu chí về nhà ở trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Với số hộ nghèo như thế, nếu để xã tự làm thì không biết đến khi nào mới xóa được số nhà tạm này”-ông Hải cho biết.

Chung tay xóa hộ nghèo

Theo  ông Võ Văn Hải, toàn xã Nghĩa An có 149 hộ nghèo (chiếm 15,33%), trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có trên 100 hộ. Để đảm bảo hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đăng ký triển khai giúp 87 hộ thoát nghèo trong năm 2017. Sau khi xây dựng kế hoạch, Đảng ủy xã nhanh chóng thông báo với 28 cơ quan, đơn vị được Huyện ủy phân công giúp 55 hộ nghèo; cán bộ, đảng viên trên địa bàn xã phụ trách 32 hộ còn lại.

Ông Dương Thanh Bình-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak, cho hay: Chi bộ Công ty nhận giúp đỡ 4 hộ ở làng Kuao (xã Nghĩa An) thoát nghèo trong năm 2017. “Sau khi khảo sát, nắm tình hình đất đai canh tác của các hộ dân, chúng tôi đã hướng dẫn họ mua các loại giống cây nông nghiệp ngắn ngày canh tác đạt hiệu quả cao. Công ty còn hỗ trợ 4 hộ này số tiền 12 triệu đồng mua giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao; phân bón, thuốc trừ sâu; hỗ trợ làm chuồng trại… “Đến nay, các hộ này đã thoát nghèo, có nhà ở, thu nhập ổn định, có bò, dê để nuôi…”-ông Bình thông tin.

Ngoài việc nắm bắt nhu cầu cần thiết của các hộ để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, UBND xã cùng các cơ quan, đơn vị kết nghĩa còn hỗ trợ vật tư, phân bón; xi măng, mái lợp, lưới sắt làm chuồng trại, rào vườn, sửa chữa nhà ở, xây bể nước; hướng dẫn 32 hộ làm thủ tục vay vốn ngân hàng; tạo điều kiện cho các hộ nghèo mượn đất sản xuất; cấp 82 con bò từ Chương trình 135; mua heo, dê giống cấp cho 75 hộ… Theo kết quả đánh giá sơ bộ của xã Nghĩa An, đến nay, có 77/87 hộ đủ khả năng thoát nghèo trong năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 15,33% xuống còn 6,59%...

 

Quyết định số 20-QĐ/HU ngày 8-10-2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang phân công các tổ chức cơ sở Đảng kết nghĩa với các xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị phụ trách làng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, năm 2017 có 58 cơ quan, đơn vị của huyện và 8 đơn vị trực thuộc xã được phân công tập trung giúp 123 hộ nghèo của xã Đông và Nghĩa An thoát nghèo. Trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý; thành lập các tổ-nhóm liên kết sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho những hộ dân được phân công giúp đỡ...

Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Vũ Văn Hải-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kbang, khẳng định: Việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách làng và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo là hoạt động thiết thực của phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, có sức lan tỏa trên địa bàn huyện. “Những việc làm cụ thể của các cơ quan, đơn vị bước đầu đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo tiền đề để các hộ này vươn lên thoát nghèo bền vững. Những việc làm thiết thực, “sát người, sát việc” này đã gắn kết tình cảm giữa các đơn vị được phân công với những hộ nghèo, từng bước xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế để người dân học tập làm theo…”-ông Hải nhận định.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.