(GLO)- 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà không phải là điều quá đặc biệt, nhưng không nhiều gia đình cũng duy trì được sự hòa thuận, êm ấm, con cháu học hành thành đạt, chăm ngoan. Chính vì vậy, gia đình ông Phạm Văn Tài-bà Lê Thị Phụng (tổ 1, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) và gia đình bà Rcom H’Guăch (tổ 6, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) được rất nhiều người ngưỡng mộ.
Hạnh phúc dưới một mái nhà
Ông Tài, bà Phụng nên duyên chồng vợ khi cả hai cùng về làm việc ở Ty Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 1978. Thời gian đó, vợ chồng ông bà gặp rất nhiều khó khăn bởi đồng lương “ba cọc ba đồng”, nhiều lúc phải chạy ăn từng bữa. Năm 1984, ông bà chuyển công tác vào Công ty 74 (huyện Đức Cơ). Ông được phân công làm ở bộ phận kỹ thuật của Công ty, còn bà làm công nhân. Sau một thời gian, bà Phụng thấy vùng biên giới còn thiếu nhiều giáo viên nên vừa làm vừa tranh thủ đi học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Năm 1987, sau khi ra trường, bà xin dạy học ở Nông trường 704 (Công ty 74). Trước khi về hưu năm 2009, bà là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh. “Ngày ấy, cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng tôi quyết tâm chuyển nghề, đồng thời cho 3 đứa con (2 gái, 1 trai) ăn học đến nơi đến chốn. Các con chăm ngoan, học giỏi, vâng lời cha mẹ là nguồn động viên lớn nhất của vợ chồng tôi”-bà Phụng nhớ lại.
Những ngày tháng vất vả của ông bà giờ đây được bù đắp bằng một đại gia đình có 6 người con (tính cả dâu, rể), tất cả đều là cán bộ, giáo viên, công chức Nhà nước, trong đó có 5 người là thạc sĩ. Điều đặc biệt là gia đình cả 3 người con của ông bà đều sống chung với bố mẹ dù có đủ điều kiện để ra ở riêng. Gần đây, vợ chồng người con trai chuyển công tác lên Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng ngày nghỉ vẫn về chung sống, sinh hoạt ở đây.
Chia sẻ cùng P.V, bà Phụng cho biết: “Việc duy trì sự hòa thuận, nền nếp trong gia đình nhiều thế hệ không hề đơn giản, nhiều lúc không tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn. Vì thế, tôi luôn lắng nghe, chia sẻ, phân tích đúng sai cùng các con để giải quyết sự việc. Đặc biệt, vợ chồng tôi không bao giờ phân biệt dâu, rể; đều coi chúng như con ruột của mình. Để giữ nếp nhà thì bố mẹ phải luôn là tấm gương cho các con. Làm việc gì lớn nhỏ đều bàn bạc, lấy ý kiến các con. Việc nhà thì phân công mỗi người một tay”. Chính vì thế, tổ ấm ấy lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười của những đứa con, cháu lễ phép; dâu rể hiếu thuận, yêu thương bố mẹ; anh em đùm bọc lẫn nhau.
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET) |
“Vui vì được sống cùng con cháu”
Chồng mất sớm, bà Rcom H’Guăch (tổ 6, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) tần tảo nuôi mẹ chồng cùng 5 đứa con khôn lớn. Nhờ các con đều hiếu thuận nên căn nhà nhỏ luôn tràn ngập tình yêu thương của 3 thế hệ. Hiện bà H’Guăch có 2 người con đang học nghề ở xa; 3 người còn lại làm giáo viên, Công an, thợ sửa chữa xe máy đều sống chung với mẹ và bà. Sau giờ làm việc, cả gia đình lại quây quần bên bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ấm cúng.
Anh Rcom Vich-hiện là cán bộ ngành Công an-chuyện trò: “Cuộc sống ngày trước khó khăn, vậy mà chúng tôi vẫn được mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ hiền lắm nhưng rất nghiêm khắc trong cách dạy bảo con cái. Ngay cả bây giờ, dù tôi đã xây dựng gia đình, mẹ vẫn nhắc nhở, chỉ bảo những việc chưa phải. Dù sống trong gia đình nhiều thế hệ nhưng các thành viên chưa bao giờ nói nặng với nhau một lời”.
Nói về việc duy trì nền nếp của một gia đình 3 thế hệ, bà H’Guăch cười hiền: “Ở nhà mình, các thành viên đều rất hiểu nhau, quan tâm chăm sóc nhau. Mẹ chồng và mình giờ được sống cùng con cháu là một hạnh phúc lớn. Người lớn dĩ nhiên có tâm lý, suy nghĩ khác con trẻ nhưng nếu lấy tình thương, trách nhiệm ra ứng xử thì tất cả sẽ hòa hợp thôi”.
Ý thức rằng bữa cơm gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các thành viên, bà H’Guăch luôn dặn con cái dù có bận rộn đến đâu cũng về nhà quây quần bữa trưa, bữa tối. Hỏi về những xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày, bà H’Guăch cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bà luôn là cầu nối, là trọng tài để phân giải hợp lý hợp tình. Khi thấy con cháu có những hành vi chưa đúng, bà nhắc nhở khéo léo, gọi ra tâm sự riêng để điều chỉnh.
Phải nhìn nhận rằng, việc duy trì nền nếp, hạnh phúc trong gia đình nhiều thế hệ là việc không dễ dàng. Tuy nhiên, khi nếp nhà đã được xây dựng vững chắc, các thành viên trong gia đình biết kính trên nhường dưới thì đây chính là hình mẫu gia đình trong cuộc sống hiện đại vốn nhiều áp lực, lo toan.
ĐINH YẾN