Những sứ mệnh vũ trụ nhắm tới Mặt trăng trong năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thành công của sứ mệnh Atermis I đã mở đường cho các sứ mệnh nghiên cứu Mặt trăng từ khắp nơi trên thế giới.
 
Sứ mệnh Atermis hoàn thành đã mở đường cho công cuộc nghiên cứu Mặt trăng trong tương lai. Ảnh: NASA
Sứ mệnh Atermis hoàn thành đã mở đường cho công cuộc nghiên cứu Mặt trăng trong tương lai. Ảnh: NASA
Sứ mệnh Artemis I gần đây của NASA đã thành công tốt đẹp, đưa con người tiến gần hơn một bước trong nhiệm vụ quay trở lại Mặt trăng.
Hành trình của tàu Orion, kết thúc vào ngày 11.2, sau 25 ngày trong không gian, đã đi trước để mở đường cho năm sứ mệnh vũ trụ khác nhắm tới mặt trăng vào năm 2023, do nhiều quốc gia tổ chức.
Sứ mệnh Hakuto-R 1 của Nhật Bản
Nhật Bản đang đặt mục tiêu chế tạo một tàu đổ bộ mặt trăng thương mại có khả năng mang trọng tải lớn lên bề mặt mặt trăng.
Trong nhiệm vụ thử nghiệm năm 2023, tàu đổ bộ Hakuto-R sẽ cố gắng triển khai một cỗ máy tự hành có tên Rashid từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, như một phần sứ mệnh mặt trăng đầu tiên của quốc gia Ả Rập.
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX sẽ được sử dụng, dự kiến tàu đổ bộ sẽ tiếp cận bề mặt Mặt trăng vào tháng 4.2023.
Sứ mệnh Lunar Flashlight của Mỹ
Lunar Flashlight là một vệ tinh có kích thước chỉ bằng chiếc cặp, sẽ vào vũ trụ cùng tàu đổ bộ Hakuto-R.
Tuy nhiên, Lunar Flashligh sẽ không hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng mà sẽ dành ba tháng để tìm kiếm băng nước trong các miệng núi lửa ở cực nam của Mặt trăng bằng các loại tia laser.
Những miệng núi lửa này nằm trong bóng tối và do đó đã không nhìn thấy ánh sáng mặt trời trong hàng tỉ năm qua.
 
Hình ảnh từ sứ mệnh Mặt trăng Atermis I của NASA. Ảnh: NASA
Hình ảnh từ sứ mệnh Mặt trăng Atermis I của NASA. Ảnh: NASA
Sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ
Sứ mệnh này sẽ sử dụng phương tiện hạng nặng GSLV Mark 3, đưa module hạ cánh và robot tự hành của Ấn Độ tới Mặt trăng vào tháng 6.2023.
Đây là sứ mệnh tiếp nối Chandrayaan-2, một sứ mệnh đã kết thúc một cách tồi tệ vào năm 2019 khi tàu đổ bộ gặp sự cố khi hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng.
Xe tự hành của Ấn Độ sẽ mang theo máy đo địa chấn, thí nghiệm dòng nhiệt và máy quang phổ, đồng thời nhắm tới việc khám phá cực nam của mặt trăng.
Sứ mệnh Luna 25 của Nga
Nga đang đặt mục tiêu khởi động sứ mệnh Luna 25 vào tháng 7.2023 sau nhiều lần trì hoãn.
Sứ mệnh này sẽ đặt một tàu thăm dò lên mặt trăng để thu thập các mẫu vật chất từ vùng cực nam của nó.
Mục đích chính của nhiệm vụ là nghiên cứu thành phần của regolith vùng cực và điều tra các thành phần plasma và bụi của tầng ngoài của Mặt trăng.
Tàu đổ bộ cũng sẽ được trang bị một loạt các công cụ khoa học, bao gồm cả một cánh tay robot, sẽ được sử dụng để loại bỏ và thu thập đá trên bề mặt.
Sứ mệnh DearMoon của Mỹ
Sứ mệnh đầy tham vọng này đã được vạch ra cho năm 2023, mặc dù tỉ lệ được thực hiện của nó rất thấp.
Sứ mệnh này sẽ sử dụng tàu vũ trụ Super Heavy và Starship của SpaceX để đưa tỉ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa và 8 hành khách dân sự khác bay ngang qua mặt trăng. 
Điều đáng chú ý là SpaceX vẫn chưa thử nghiệm tên lửa Super Heavy. Chuyến bay thử nghiệm của tên lửa mạnh nhất thế giới dự kiến ​​sẽ diễn ra vào đầu năm 2023. Ngay cả khi nó diễn ra theo đúng kế hoạch, có vẻ như SpaceX sẽ không thể sẵn sàng để gửi Starship và tám thành viên phi hành đoàn trên một chuyến bay tới Mặt trăng và quay trở lại vào tháng 12.
Các sứ mệnh mặt trăng sắp tới có thể cung cấp dữ liệu quan trọng cho các quốc gia về du hành vũ trụ và xây dựng căn cứ trên mặt trăng, nơi các phi hành gia có thể sống và làm việc trong thời gian dài.
Các nhà khoa học cũng tin rằng một ngày nào đó, mặt trăng có thể đóng vai trò là bước đệm cho các sứ mệnh Sao Hỏa và hơn thế nữa. Với lực hấp dẫn yếu hơn Trái đất của nó, việc phóng tên lửa sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn so với các vụ phóng từ Trái đất. 
Theo Anh Vũ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm