Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 6: Bỏ xí nghiệp, xuống ruộng làm 'cậu chủ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ chàng công nhân ly hương năm mới 17 tuổi, Pho giờ đã trở thành "cậu chủ" vườn chanh rộng mênh mông với ý chí tự mình làm chủ đời mình.
Chàng công nhân Nguyễn Văn Pho giờ đã thành chủ nông trại chanh - Ảnh: DIỆU QUÍ
Chàng công nhân Nguyễn Văn Pho giờ đã thành chủ nông trại chanh - Ảnh: DIỆU QUÍ
"Mày làm vườn để nuôi chuột hả?"
Khác với nhiều nông dân ở xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang chọn gắn bó với cây lúa bao đời nay, chàng thanh niên Nguyễn Văn Pho, 24 tuổi, khởi nghiệp với hướng đi mới: trồng chanh núm bông tím. Tuy nhiên, cũng vì cái tính "thích khác người" như vậy nên lúc mới bắt đầu công việc, Pho đã gặp không ít phiền toái từ hàng xóm và chính cả... gia đình mình.
"Mày làm vườn để nuôi chuột à?". Đó là một trong nhiều câu nói của hàng xóm khi nghe tin Pho "làm chuyện không giống ai", và cả câu "xát muối" khác: "Mày trồng đi để tao kiếm con gì về nuôi, mai mốt chanh đem đổ tao hốt về cho nó ăn!". Pho cho biết lúc đó anh rất buồn và ấm ức mỗi khi hàng xóm qua nhà chơi và "dội" cho mấy câu nửa thật nửa đùa như thế! "Tính tôi không làm thì thôi, nếu quyết tâm rồi là sẽ làm tới cùng, dù ai có nói gì đi chăng nữa", anh nhấn mạnh.
Nhà Pho có 10 công đất, trước giờ cho thuê trồng lúa với 4 triệu đồng/công/năm. Khi anh muốn cải tạo lại hết để trồng chanh và rau màu, ba Pho nhất quyết không đồng ý. Không phải ông không muốn con tự làm ăn, mà ông từ chối để con khởi nghiệp với chanh - loại trái mà ở địa phương khi ấy chưa ai chọn mưu sinh, và ông sợ con sẽ "bại nhiều hơn được".
"Ba muốn tôi theo nghề chính của gia đình, đó là đi biển. Tôi có thử đi mấy chuyến và biết mình không hợp với nghề lênh đênh sóng nước. Ngay từ nhỏ tôi chỉ thích trồng trọt, chăn nuôi, nên tôi vẫn kiên trì ý định của mình, vượt qua sự phản đối của ba và lời ra tiếng vào từ xóm giềng", Pho nhìn vườn chanh của mình, nhớ lại.
Chỉ được mẹ ủng hộ, thế nhưng đối với Pho đó đã là niềm vui, là động lực lớn lao cho chí khởi nghiệp trong anh. "Mẹ nói không lẽ suốt đời con làm thuê làm mướn hoài hay sao, nhà mình có đất sao không tận dụng làm cái này cái kia. Con cứ làm đi, mẹ ủng hộ, lỡ thất bại thì mình làm lại", Pho nhớ mãi lời động viên của mẹ cho quyết định trở thành nông dân của mình.
Năm 2016, Pho trở về quê sau 3 năm cặm cụi làm công nhân ở Tây Ninh. Nhưng lúc ấy, lý do anh hồi hương vì mẹ đau ốm, nhà thiếu người chăm sóc. Hồi còn làm công nhân, Pho cũng nghĩ đến chuyện về quê làm nông nhưng chưa định hướng rõ ràng, sợ về giữa chừng không có việc làm, tiền đâu mà sống nên cứ nán lại xứ người. Nhưng khi mẹ bệnh nhiều, ba thì đi biển cả tháng về được 3-4 ngày, chị Hai ở xa, đứa em gái còn nhỏ dại, buộc Pho không thể đi xa làm công nhân mãi.
Trong thời gian ở nhà, thấy Pho còn trẻ lại thích làm nông, một người bà con ở An Giang gợi ý anh trồng chanh. Họ sẽ hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc và cả chỗ thu mua. Vậy là sau khi được mẹ "duyệt" ý tưởng về vườn, tháng 8-2016 Pho bắt tay ngay vào việc. Bàn tay làm công nhân của anh giờ cầm cuốc lên liếp, gieo giống chanh núm bông tím và thực hiện các công đoạn chăm sóc dưới sự hướng dẫn từ xa của người bà con.
Chưa tự tin lắm, ban đầu Pho không dám cuốc hết 1ha đất ruộng sang trồng trọt. Anh sử dụng số tiền 20 triệu để thử trước 2.000m2. "Thích làm nông nhưng tới lúc bắt đầu trồng, tôi vẫn như một tờ giấy trắng. Mọi thứ từ giống, phân bón, chu kỳ tưới, cách nhìn ra bệnh của cây rồi điều trị ra sao, tôi đều phải gọi điện hỏi. Phải mất một thời gian tôi mới có kinh nghiệm rành rọt dần", Pho nói.
Tôi có ước mơ thay đổi cuộc đời. Sau 4 năm lập nghiệp trên đất quê, tôi đã kiểm soát được nỗi sợ thất bại của bản thân và xem thất bại cũng cần thiết cho thành công.
NGUYỄN VĂN PHO
Thương lái đang mua chanh của Pho - Ảnh: DIỆU QUÍ
Thương lái đang mua chanh của Pho - Ảnh: DIỆU QUÍ
Dù mất giá vẫn không bỏ vườn
Theo Pho, chanh dễ trồng, hợp khí hậu, thổ nhưỡng miền Tây, ít tốn công chăm nhưng thời gian thu hoạch khá lâu, tầm 18 tháng kể từ lúc gieo hạt mới đủ năng suất cho ra trái ngon. Thế nên lúc đầu Pho chỉ trồng một công chanh và một công ổi để lấy ngắn nuôi dài. Sau này anh mở rộng thêm với 8.000m2 trồng chanh, 2.000m2 còn lại trồng dừa xiêm, cà na, mít, mỗi loại một ít để có thể bù trừ cho nhau khi cây trái nào bị mất giá.
Nhờ tâm huyết của chàng nông dân trẻ, vườn chanh của anh hiện khá tốt, cứ 20 ngày thu hoạch một lần, mỗi lần từ 500kg - 1 tấn. Năm 2018 do mới trồng, tán cây còn nhỏ, trái không nhiều nên hết năm chỉ lời vỏn vẹn 35 triệu đồng. Song từ tháng 3 năm ngoái trúng mùa, 130 gốc chanh/công của Pho cho 8 tấn trái, bán với giá 25.000 đồng/kg, thu về 97 triệu đồng sau khi đã khấu trừ chi phí.
Thấy Pho ăn nên làm ra từ chanh, mấy hộ trong xóm đặt mua cây giống, nhờ anh hướng dẫn kỹ thuật trồng. Cuối năm 2019, Pho bỏ túi thêm 45 triệu đồng nhờ bán được 3.000 cây giống. Thu nhập mà chàng công nhân ngày nào không thể hình dung được.
Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh, chanh rớt giá. Từ đầu năm đến giờ, thương lái vẫn mua hết nhưng giá chỉ còn 12.000 đồng/kg. Theo Pho, thời điểm chanh có giá nhất là tháng giêng đến tháng 5 âm lịch, càng đến mùa mưa giá càng sụt giảm. Không chỉ chuẩn bị chu đáo để ứng phó giá cả thị trường, Pho còn lường trước rủi ro hạn mặn - vấn đề đau đầu của bà con miền Tây. Anh đầu tư đào mương nhỏ kế vườn chanh, với dung tích nước có thể dùng trong 2-3 tháng.
Hỏi có bao giờ sợ lỗ vốn không? Anh nông dân 24 tuổi cười: "Nếu nói tôi không sợ gì thì là nói xạo. Ai khởi nghiệp cũng có nỗi sợ riêng, dù ít hay nhiều. Thú thật lúc mới làm, tôi rất sợ người ta cười chê nếu mình thất bại, bởi tôi đã mặc kệ tất cả lời bàn tán để thực hiện cho bằng được, và tôi cũng cố chứng minh cho ba thấy là tôi sẽ thành công. Còn bây giờ tôi làm vì cả niềm đam mê nông trại".
Mô hình kinh doanh chưa quy mô lớn, nhưng có thể nói Pho khá thành công so với nhiều bạn bè trang lứa. Hiện anh còn trồng thêm các loại rau màu để kiếm thêm thu nhập dành dụm mua đất, mở rộng nông trại.
"Nếu ngày đó tôi sợ lời gièm pha, nhụt chí, từ bỏ ý tưởng của mình thì đến giờ có lẽ vẫn đang đi làm thuê ở một nơi nào đó. Thật ra, khi kiên trì theo đuổi dự định của mình, tôi không đặt kỳ vọng nhiều đâu. Chỉ nghĩ đơn giản mình còn trẻ, phải sống hết mình, thử xem bản thân làm được gì, vì sao người ta làm được còn mình thì không. Mình có sức trẻ, có đam mê thì cứ làm. Ngã xuống thì rút kinh nghiệm rồi đứng dậy đi tiếp thôi", Pho tâm sự, mắt đầy hi vọng nhìn ra nông trại xanh ngắt...
“Trồng chanh đòi hỏi sự kiên trì, không là thất bại liền. Ví dụ giá chanh đang ở mức cao, tự nhiên rớt xuống cái vèo như đầu năm tới giờ sẽ khiến người ta dễ nản, không thèm chăm sóc nữa. Cá nhân tôi dù giá cao hay thấp cũng vẫn kiên trì chăm sóc quanh năm, canh tới mùa giá cao còn có trái ngon đem bán để bù cho lúc giá thấp”, Pho cho biết.
Một trong những tố chất mà Pho nghĩ mình có thừa chính là quyết tâm, sự kiên trì dù vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Chẳng lẽ cuộc đời cứ bình lặng mãi? Cứ an phận êm đềm sao biết được khả năng của mình tới đâu? Từ suy nghĩ này, một chàng cử nhân quyết định khởi nghiệp kinh doanh...
Kỳ tới: Làm giàu từ đặc sản quê nhà
Theo DIỆU QUÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.