Dù không bình thường ngay từ khi sinh ra, nhưng nhiều người khuyết tật đã làm được những điều phi thường không chỉ cho bản thân, mà còn giúp ích cho cộng đồng.
Anh Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng các thanh niên khuyết tật tham gia chương trình. Ảnh: BẢO ANH |
Đó là những tấm gương được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức.
Kỳ tích của cô gái không tay
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, chị Thắm cho biết ngay từ khi lọt lòng mẹ, chị đã không có tay. Đến tuổi đi học, chị Thắm đòi bố mẹ đưa đi, nhưng mẹ bảo không có tay thì cầm bút sao được. “Mình buồn lắm. Mình mượn của chị họ cây bút, quyển vở, hằng ngày miệt mài tập viết bằng chân trái. Kẹp bút được vài hôm thì hai ngón chân bị phồng rộp, đau và tê cứng...”, chị Thắm nhớ lại.
Nhưng chị Thắm không bỏ cuộc. Rồi chị tập viết bằng phấn và bị phấn ăn chân lở loét, máu tứa ra mỗi khi vận động mạnh. Đêm nào mẹ chị cũng phải bôi thuốc vào chỗ loét cho con.
Năm 6 tuổi, chị Thắm được nhận vào học trường tiểu học ở gần nhà. Suốt 12 năm học, chị giành nhiều thành tích: đoạt giải nhì cuộc thi vẽ tranh, giành giải xuất sắc cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh. Chị Thắm luôn học khá giỏi, đạt nhiều giải thưởng trong học tập và rèn luyện với gần 20 bằng khen, giấy khen.
Cô gái không tay đầy nghị lực Lê Thị Thắm. ẢNH: NHẬT NAM |
Điều đặc biệt là chị Thắm viết bằng chân trái, do tập viết nhiều nên chân này dài hơn chân phải 10 cm, phải đi tập tễnh, gây đau đớn mỗi khi trái gió trở trời. 22 tuổi nhưng vóc dáng chị Thắm chỉ như cô bé 12 - 13 tuổi, nặng khoảng 30 kg, cao hơn 1 m. Nhưng đôi chân của chị thì thật kỳ diệu: dùng máy tính rất thành thạo, có thể "cầm" lược chải đầu, tự xâu kim, thêu tranh rất đẹp...
Tốt nghiệp THPT, chị muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, nhưng thầy cô và bố mẹ đều khuyên sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nên thi vào ngành sư phạm. Năm 2016, chị thi đại học ngành sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) và được hiệu trưởng trường quyết định xét tuyển thẳng. Trong 4 năm học ở trường, chị Thắm luôn nỗ lực đạt kết quả tốt và năm nào cũng được cấp học bổng; được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khen thưởng về tấm gương vượt khó. Giờ đây, chị Thắm đã tốt nghiệp đại học và đang mở lớp dạy học tiếng Anh tại nhà.
Khó khăn chỉ là thử thách
Anh Trần Xuân Diệu nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt. ẢNH: BẢO ANH |
Anh Trần Xuân Diệu (32 tuổi) ở xã Vượng Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh, sinh ra đã bị bại não do di chứng của chất độc da cam từ người bố thương binh, nên khó vận động và thường xuyên đau nhức xương. Năm 10 tuổi, anh Diệu mới chập chững những bước đi đầu tiên. Bố mẹ làm ruộng, lại rất đông anh chị em nên cuộc sống của anh rất khó khăn. “Ngay từ rất sớm, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó để thay đổi tương lai và đỡ đần cho bố mẹ. Năm 15 tuổi, vượt qua những mặc cảm, tự ti, tôi quyết định rời quê hương đi tìm cho mình những cơ hội mới”, anh Diệu tâm sự.
Sau nhiều năm mưu sinh ở Hà Nội rồi TP.HCM, anh đã làm rất nhiều việc như: bán vé số, rửa bát cho nhà hàng, trông xe... Rồi anh may mắn được giới thiệu vào đoàn thể thao người khuyết tật TP.HCM.
Kiên trì tập luyện với niềm đam mê thể thao điền kinh, anh Diệu được cử tham dự nhiều cuộc thi thể thao cho người khuyết tật. Anh đoạt 5 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 10 huy chương đồng; đặc biệt là huy chương vàng môn nhảy xa tại Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc.
Anh Diệu được Trường ĐH dân lập Văn Lang tuyển vào học thiết kế và in ấn. Sau 3 năm, anh ra trường để bắt đầu một hành trình mới. Thế nhưng, 1 năm ròng rã đạp xe đi tìm việc làm, anh đều bị lắc đầu từ chối. Có lúc chán nản và mặc cảm nhưng anh lại tự động viên mình. Rồi anh cũng tìm được việc ở một cơ sở in ấn tại TP.HCM. Sau một thời gian, anh quyết định khởi nghiệp ngay tại gia đình và hiện là chủ một cơ sở thiết kế, in ấn ở Hà Tĩnh, tạo việc làm cho những người đồng cảnh ngộ.
Đặc biệt, anh sáng lập ra CLB Hướng Tâm Phúc để làm thiện nguyện. Anh Diệu cho biết trong chặng đường đã qua được mọi người giúp đỡ nhiều nhưng không có gì để trả, nên anh đã trả bằng việc cố gắng vươn lên cho bản thân mình và làm điều có ích.
Được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt, anh Diệu xúc động: “Tôi chỉ muốn nói với các bạn bè cùng cảnh ngộ là xung quanh chúng ta có rất nhiều người tốt. Khó khăn chỉ là thử thách thôi, cứ cố gắng vươn lên thì mọi người sẽ giúp đỡ mình”.
Cần nhiều hơn nữa sự đồng hành với người khuyết tật Tối 28.12, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020. Tham dự có ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Ban tổ chức tuyên dương 64 thanh niên khuyết tật có thành tích xuất sắc đã nỗ lực vươn lên giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động từ năm 2013, nhằm tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp cho sự phát triển cộng đồng xã hội. Anh Tuấn khẳng định: “T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các lực lượng xã hội khác sẽ làm hết sức mình để đồng hành cùng người khuyết tật trên mọi nẻo đường. Các bạn hãy luôn luôn tự tin và nuôi dưỡng nghị lực phi thường, hãy sống cuộc đời của mình một cách đầy ý nghĩa”. Vũ Thơ |
Theo Vũ Thơ (TNO)