Những cung trầm giữa đại ngàn: Đa thê ở vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Câu chuyện mỗi đàn ông có nhiều vợ bây giờ vẫn hiện hữu nơi buôn nghèo của huyện vùng biên giới. Điều lạ là cuộc sống của các bà vợ vẫn hạnh phúc, hòa thuận, vui vẻ như chị em bên một ông chồng.
 
Một góc xã Cư Kbang
Đường đất đỏ từ xã Cư Kbang, huyện vùng biên giới Ea Súp kéo dài tận các thôn người đồng bào dân tộc phía Bắc di cư vào, cuộc sống người dân vẫn  nghèo. Chúng tôi tấp vào quán tạp hóa nhỏ ở thôn 13, xã Cư Kbang. Ông Triệu Đức Chi (SN 1973, chủ quán) nghe hỏi về những người đàn ông có nhiều vợ ở đây, liền cởi mở tiếp chuyện: Mình có 3 vợ, 6 đứa con, hiện đang trên rẫy hết, tối mới về. 
Theo lời ông Chi, người vợ đầu được ông cưới hỏi đàng hoàng ở ngoài Bắc, sau đó vợ chồng ông di cư vào đây lập nghiệp và ông lấy thêm 2 người vợ nữa. Ông kể: 2 người vợ này (cùng xã, nhưng khác thôn) trước đây hay đến mua hàng ở quán mình, nó yêu  thì mình yêu lại thôi. Chỉ cần con mắt nó ưa, cái bụng nó chịu là về ở cùng nhau, không cưới xin gì. Lúc đầu vợ cả khó chịu, nhưng rẫy nương nhiều đi làm có chị có em, dần dần họ trở nên thân thiết. Ăn chung làm chung một rẫy và cơm lành canh ngọt. 
Nghe hỏi làm sao để các bà không cãi và tranh chồng, ông cười: “Quan trọng là mình biết giáo dục, nếu biết cách thì mấy vợ cũng được hết”. Tôi hỏi: Ông yêu vợ nào nhất? “Mình yêu các vợ như nhau”. Ông khoát tay: Có gì đâu tôi, phân chia rõ ràng, nên vợ nào cũng vui vẻ. Nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng dành cho con, hôm nào ngủ với vợ cả thì 2 vợ còn lại ngủ phòng bên cạnh. Cứ thế xoay thành vòng tròn. Bao nhiêu năm chung sống nhưng chưa bao giờ ba bà chiến tranh lạnh hay tranh giành gần gũi với chồng. 
Chúng tôi chuẩn bị ra về, ông vẫn còn mặn chuyện: Tôi nghe nhiều người bảo và xem trên mạng thấy cán bộ, đàn ông người Kinh muốn lấy vợ hai phải lén lút cặp bồ rồi mua nhà to cho bồ ở. Và cảnh người vợ cả đi tìm bồ của chồng đánh đập thậm chí có người còn giết nhau nữa. Ở đây chúng tôi không thế đâu, nhiều vợ mà vẫn sống hạnh phúc, hòa thuận. 
Trên đường đến mấy gia đình khác, bà Hoàng Thị Châm, cán bộ dân số xã lắc đầu: Ở xã này có khoảng chục hộ mà người chồng có từ 2 vợ trở lên. Nói là vợ vậy thôi, chỉ biết họ ưng nhau về ở với nhau không cưới xin, không thông qua chính quyền nên cũng không biết được. Hỏi thì họ nói là vợ. Cán bộ đến tuyên truyền thì họ nói biết thế là vi phạm nhưng nhiều vợ mới có người làm rẫy, mới có cái ăn. Có người bảo, họ hàng đến ở phụ làm.
Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng của gia đình ông Nông Văn Hùa, 2 người phụ nữ cùng 4 đứa trẻ ngồi nói chuyện rôm rả, sau khi được cán bộ dân số giải thích, chị Hoàng Thị Chia (SN 1989) vân vê ngón tay một lúc, kể: Chồng và vợ bé ở trong rẫy cuối tuần mới về. Tránh cái nhìn vào chúng tôi chị tiếp: Trước đây chồng và mình sáng sớm cùng lên rẫy, tối về, ngày đó chồng dành tình cảm cho mình nhiều. Từ khi có vợ bé, chồng yêu vợ bé, ít nhớ đến mình. Lúc đầu vợ bé ở cùng nhà mình không thích. Sau nghĩ em ấy cùng cảnh ngộ nên 2 chị em chơi thân và sống hòa thuận lắm. Mình có 2 đứa con và vợ bé của chồng cũng 2 đứa.
Mặt trời khuất dần sau chân núi, chị ngồi nhặt nhạnh từng khúc củi để chuẩn bị bữa cơm chiều. Từ ngày chồng có thêm vợ, mặc dù chị nói có người phụ gánh vác công việc nương rẫy nhưng sâu thẳm trong ánh mắt của người phụ nữ ấy vẫn chất chứa một 
nỗi buồn.
Quặn thắt một hủ tục
Đêm chìm dần trong sương lạnh, buôn làng say giấc ngủ, dưới ánh điện le lói xuyên qua các lỗ hổng ngôi nhà, giọng chị cán bộ dân số hòa lẫn cùng thanh âm rả rích của côn trùng: Dân làng chủ yếu sống nhờ nương rẫy. Bây giờ có điện, ti vi, đường rộng xe tải chở hàng vào tận làng nhưng vẫn nghèo. Nghèo thông tin, nghèo cái ăn cái mặc. Thực phẩm phổ biến vẫn là rau rừng, cá suối, măng rừng… Heo gà có nuôi nhưng chỉ dành để đổi thực phẩm. Lũ trẻ con quanh năm đánh trần lem luốc chơi các vũng nước ven đường. Ở đây có trường tiểu học, trung học nhưng vì cuộc sống nghèo khổ nên nhiều đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng phụ giúp gia đình. Nhức nhối nhất là nạn tảo hôn, kết hôn khi mới 14 - 15 tuổi. Cuộc sống vợ chồng đối với họ như cuộc dạo chơi, chưa biết lo nghĩ về tương lai, không có hành trang chuẩn bị trước… Những câu chuyện dở khóc dở cười từ đây mà ra, gây nhiều hệ lụy nhức nhối cho gia đình, xã hội. 
 
Một gia đình đông con ở xã Cư Kbang
Giọng ru à ơi phát ra từ căn nhà cuối thôn, chị Lý Thị Bàn (SN 2002) chia sẻ: Ở đây con gái vừa lớn mà không lấy chồng coi như ế. Bố mẹ bắt lấy thì lấy chứ chưa biết gì. Như mình lấy chồng xong, sau một thời gian thấy trong người mệt mỏi, bụng mỗi ngày một to lên. Khi bố mẹ nói mới biết mình mang thai. Thời gian này mình không đi khám hay siêu âm chỉ đến thầy cúng. Khi con được gần 1 tuổi thấy mắt trái bé sưng rồi chảy ra nước màu đỏ. Các cô chú ở xã bảo đưa lên bệnh viện tỉnh khám. Lên đó bác sĩ chẩn đoán mắt con bị viêm mủ nặng phải nhập viện điều trị, nhưng do không có tiền nên vợ chồng  đành bế con về. Cuộc sống gia đình khó khăn, nhà có hơn 5 sào lúa, đến mùa làm, hết mùa thì ai thuê gì làm nấy nên đói nghèo cứ bám riết. Bạn bè bằng tuổi mình đứa nào cũng có chồng có con hết rồi. 
Vẻ mặt e thẹn chị tiếp: Lúc trẻ mình cũng trắng, đẹp gái lắm, thanh niên nhiều người mê. Từ lúc lấy chồng sớm sinh con, lao động kiếm tiền nên nhanh già thôi. 
Con đường đất đỏ bụi tung mù, đường về bỗng chông chênh hơn lúc vào. Giữa cái gió hanh của mùa khô Tây Nguyên hắt thẳng vào mặt, đâu đó tiếng khóc ré lên của những đứa trẻ khát sữa, phá tan cái đơn độc giữa trập trùng rừng núi.
Xã Cư Kbang có hơn 50% là đồng bào dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là trên 90%. Đồng bào ở đây rất khó tiếp cận. Mỗi lần cán bộ vào tuyên truyền phải nhờ một số người Mông uy tín đi cùng. Nhưng khi hỏi họ vờ không hiểu rồi lẩn đi đâu mất. Tục tảo hôn đã nhiễm vào tiềm thức của đồng bào nên rất khó thay đổi. Cán bộ có tuyên truyền, vận động thế nào họ cũng chỉ nghe rồi để đó, nên nhà nào cũng con đàn cháu đống.

 (Còn nữa)

Nguyễn Thảo (TP)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.