Nhiều người vay tiền bị dọa cắt tay chân,xiết sạch tài sản ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người ở Đắk Lắk sập bẫy của những kẻ cho vay tín dụng đen, đến khi không thể chi trả, bị côn đồ đánh đập, đe dọa cắt tay chân, xiết tài sản.
hời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện nhiều nhóm cho vay với hình thức trả góp. Tuy nhiên, đó chỉ là lời quảng cáo, bản chất của hình thức cho vay này là tín dụng đen. Sau khi sập bẫy, nhiều người vay tiền khốn đốn khi bị côn đồ uy hiếp, đe dọa tính mạng, buộc phải trả nợ.
Không kịp góp tiền, dọa cắt chân tay
Bà H’Riăng Niê (SN 1964, trú tại buôn Knul, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tháng 9/2018, con rể bà là Y Thăng Ksơr (SN 1994) nhặt được tờ rơi với nội dung “Cho vay trả góp, thủ tục nhanh” trên đường.
Ít lâu sau, do không có tiền mua phân bón nên gia đình bà tìm tờ giấy trên để hỏi vay tiền.
Ngày 20/9, sau khi gọi vào số điện thoại in trên tờ rơi, có 2 thanh niên đi xe máy đến tận nhà bà H'Riăng làm thủ tục cho vay 30 triệu đồng. Chỉ sau 30 phút gọi điện thoại, những người cho vay lập tức xuống tận nhà bà làm thủ tục mà không yêu cầu phải thế chấp bất kỳ tài tài sản gì ngoài chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu.
"2 thanh niên vào làm hồ sơ và bảo con rể tôi đưa cà vẹt xe máy và chứng minh nhân dân. Với số tiền này, họ yêu cầu chúng tôi phải trả góp 750.000 đồng/ngày. Thời gian góp tiền là 50 ngày. Tuy cho vay 30 triệu đồng nhưng họ chỉ đưa 27 triệu đồng và giữ lại 3 triệu đồng cho 5 ngày góp đầu tiên”, bà H'Riăng kể.
Tương tự, gia đình bà H’Bét Knul (SN 1974, trú ở buôn Knul, xã Ea Bông) gọi đến số điện thoại in trên tờ giấy quảng cáo cho vay trả góp dán trên đường để vay 30 triệu đồng. Nhóm người này cho bà vay 30 triệu đồng nhưng lấy 3 triệu đồng trước. Mỗi ngày, bà phải đóng 750 nghìn đồng, 50 ngày sau sẽ hết nợ và được trả giấy tờ xe về.
 
Tờ quảng cáo cho vay trả góp.
Bà H’Bét Knul chia sẻ, sau khi vay 30 triệu đồng, mỗi ngày, gia đình bà phải đóng đủ 750 nghìn đồng. Nếu hôm nào không đủ tiền góp thì sẽ bị 2 thanh niên đến nhà chửi bới, đe dọa đánh đập, thậm chí còn đòi cắt tay, chân mọi người trong gia đình bà.
"Sợ quá, ngày nào, gia đình tôi cũng chạy đôn, chạy đáo để mượn đủ tiền nộp cho bọn chúng”, bà H’Bét Knul vừa nói, vừa run sợ.
Triệt phá nhóm tín dụng đen Hải Phòng
Trước sự lộng hành của các nhóm tín dụng đen, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Phòng cảnh sát Hình sự phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc truy tìm dấu vết của các nghi can cho vay.
Ngày 1/10, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an TP. Buôn Ma Thuột bắt một nhóm cho vay tín dụng đen từ TP. Hải Phòng vào Đắk Lắk hoạt động.
Công an bắt giữ Bùi Văn Thịnh (26 tuổi), Phạm Đình Bảo (17 tuổi), Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi), Nguyễn Văn Năm (25 tuổi), Hoàng Văn Cương (27 tuổi), Nguyễn Đức Khương (25 tuổi), Lê Trung Hiếu (30 tuổi), Bùi Văn Tình (27 tuổi), Vũ Văn Mạnh (26 tuổi, cùng trú TP. Hải Phòng) và Nguyễn Thị Ngọc Tiền (25 tuổi, trú tại huyện Krông Ana). Nhóm này do Thịnh cầm đầu.
 
Nhóm người từ Hải Phòng vào Đắk Lắk cho vay nặng lãi.
Qua quá trình khám xét nơi ở của nhóm cho vay nặng lãi do Thịnh cầm đầu, Công an tỉnh Đắk Lắk thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ cho vay, nhiều thiết bị máy móc và các giấy tờ liên quan.
Được biết, cách đây khoảng 2 năm, Thịnh vào TP. Buôn Ma Thuột thuê phòng trọ để dễ dàng cho vay nặng lãi rồi gọi những người còn lại từ TP. Hải Phòng vào Đắk Lắk tham gia hoạt động này.
Mỗi ngày, nhóm cho vay nặng lãi của Thịnh in hàng trăm tờ rơi quảng cáo phát cho người đi đường và dán trên cột điện, bờ tường, hàng rào...với nội dung hấp dẫn, chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu là có thể vay tiền.
Với thủ đoạn này, nhóm của Thịnh thu hút được nhiều người vay nóng. Đến khi con nợ không có khả năng chi trả, nhóm của Thịnh sẽ đến nhà họ uy hiếp, đe dọa tính mạng và xiết sạch tài sản.
Bình Định (VTC News)

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.